Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân. Ảnh: Đức Thanh
Chóng mặt vì lãi suất huy động và cho vay liên tục nhảy múa
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức tăng một loạt lãi suất điều hành, trong đó trần lãi suất huy động và cho vay đều tăng thêm 1%. Động thái này đã được dự báo trước, khi tỷ giá liên tục tăng nóng trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất là không thể tránh khỏi trong bối cảnh tỷ giá bị sức ép nặng nề. Nâng lãi suất có nghĩa là tăng sức mạnh đồng tiền, chống tỷ giá rơi sâu thêm nữa. Tỷ giá là phòng tuyến quan trọng giúp ngăn ngừa nhập khẩu lạm phát. Một khi tiền đồng mất giá sâu, lạm phát nhập khẩu sẽ tăng mạnh.
Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tăng lãi suất điều hành liên tiếp cho thấy phản ứng nhanh nhạy của NHNN trước diễn biến của thị trường ngoại hối. “Về nguyên tắc, lãi suất VND phải hấp dẫn hơn nhiều so với USD thì mới giảm được sự mất giá tiền đồng. Việc NHNN nâng lãi suất điều hành là để bảo vệ đồng nội tệ, tránh VND mất giá sâu hơn nữa so với USD”, TS. Thành lý giải.
Mặc dù là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song việc tăng lãi suất khiến doanh nghiệp bất an. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy (Hà Nội) cho hay, từ đầu năm đến nay, phía ngân hàng đã 2 lần thông báo tăng lãi suất cho vay. Với tình hình khó khăn về cả đơn hàng lẫn chi phí tăng hiện nay, dự báo nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn “ngủ đông” thay vì sản xuất - kinh doanh.
Theo khảo sát của Báo Đầu tư, nửa đầu tháng 9/2022, lãi suất cho vay bình quân với doanh nghiệp chỉ khoảng 9-10%/năm, hiện đã nâng lên 11-12%/năm. Với cho vay cá nhân, lãi suất phổ biến đang là 13-14%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là “lãi suất bề nổi”, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh, để được giải ngân, họ phải chi thêm 2-3% “lãi ngoài”.
Doanh nghiệp cần sự chia sẻ của ngân hàng
Trước những tác động tiêu cực của tỷ giá và lãi suất tới doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần cảnh giác với nợ xấu, đồng thời nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn chứng, giai đoạn 2008 - 2009, toàn nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó. Vì vậy, giai đoạn hiện nay, các ngân hàng nên chia sẻ một phần lợi nhuận để giữ mặt bằng lãi suất cho vay không bị tăng quá nhiều.
Hiện khối ngân hàng TMCP quốc doanh vẫn cố ghìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay không tăng quá lớn. Bà Phùng Thị Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đang cố gắng giữ lãi suất huy động thấp hơn thị trường mà vẫn đảm bảo cạnh tranh được với các ngân hàng khác. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu kiểm soát và bình ổn lãi suất cho vay.
“Vietcombank đã triển khai một loạt giải pháp nhằm bình ổn lãi suất cho vay cho khách hàng. Để hỗ trợ khách hàng, sắp tới, ngân hàng triển khai gói ưu đãi lãi suất, trong đó giảm trực tiếp lãi suất cho cả các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới”, bà Yến khẳng định.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 mà một loạt ngân hàng vừa công bố, chênh lệch lãi suất huy động/cho vay (NIM) của các ngân hàng vẫn khá cao, xoay quanh 4%. Nói cách khác, dư địa để các ngân hàng ghìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn. Nếu lãi suất cho vay tăng mạnh đồng nghĩa nợ xấu tăng nhanh, thì việc xử lý khi đó có nguy cơ nằm ngoài vòng kiểm soát của các ngân hàng.
Tất nhiên, bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa, khi dư địa chính sách tiền tệ hầu như không còn. Giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế... vẫn còn triển khai khá chậm.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải là lãi suất, mà là chuyện đứt gãy dòng tiền, khi các kênh huy động vốn chủ chốt như ngân hàng, trái phiếu, cổ phiếu đều gặp khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, thì nguy cơ vỡ nợ lan truyền sẽ xảy ra. Vì vậy, để dòng tiền thông suốt trở lại, doanh nghiệp kỳ vọng, Chính phủ sẽ có các thông điệp mạnh mẽ hơn giúp thị trường phục hồi, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để doanh nghiệp phát hành có thể giảm bớt áp lực trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, NHNN có thể nới nhẹ room tín dụng thêm 1-2%. Việc “truyền máu” này tuy không nhiều, song có thể làm thị trường ấm nóng trở lại.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Cũng cần khai thông thị trường vốn theo hướng công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
- TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia