ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam xung quanh khả năng trên.
Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam
Theo ông, thanh khoản tại thị trường ngân hàng Việt Nam phụ thuộc vào những nguồn chính nào?
Thanh khoản tại thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, cung và cầu vốn trên thị trường: nếu cung vốn tăng và cầu giảm sẽ làm dư thừa thanh khoản trên thị trường và ngược lại. Thứ hai, định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chính sách lãi suất: nếu lãi suất có xu hướng giảm, người gửi tiền sẽ muốn gửi kỳ hạn dài và người vay sẽ vay kỳ hạn ngắn, hoặc chờ lãi suất giảm mới vay. Thứ ba, biến động của tỷ giá: nếu tỷ giá biến động mạnh, thanh khoản VND thường suy giảm, vì người dân và DN có thể dùng VND để mua ngoại tệ. Thứ tư, chênh lệch lãi suất/lợi tức giữa việc gửi VND và các kênh đầu tư khác (gửi USD, mua và cho thuê bất động sản): nếu chênh lệch lãi suất/lợi tức giữa gửi VND và các kênh đầu tư khác không nhiều, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư có tiềm năng lợi tức cao. Thứ năm, độ vững về thanh khoản của từng ngân hàng: nếu các ngân hàng có tình hình thanh khoản lành mạnh, thanh khoản của thị trường sẽ khó xấu đi nhanh, ngay cả khi thị trường có biến động.
Như vậy, tiền gửi của người dân chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, động thái hạ trần lãi suất huy động vừa qua của NHNN sẽ không ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của hệ thống?
Trước khi trần lãi suất huy động 6%/năm có hiệu lực vào ngày 18/3, đa số ngân hàng đã chi trả lãi suất tiền gửi ở dưới mức trần cũ (7%/năm) và mức lãi suất đó chênh lệch so với mức trần mới không nhiều. Do vậy, việc NHNN hạ trần lãi suất lần này sẽ không ảnh hưởng lớn tới thị trường. Nguồn cung tiền đồng trên thị trường hiện nay tương đối dư thừa, nên các ngân hàng cũng không phải cạnh tranh quá nhiều trong việc huy động vốn như trước đây.
Thực tế, cơ sở để giảm trần lãi suất đã xuất hiện từ năm ngoái, nhưng NHNN có những tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh giảm. Theo tôi, một bộ phận người dân có thể sẽ xem xét lại kênh đầu tư, thay vì gửi tiết kiệm, họ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có cơ hội đem lại lợi suất cao hơn. Điều này khiến nguồn vốn huy động của các ngân hàng giảm, nhưng sẽ không thay đổi quá đột ngột.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay 10%/năm là phù hợp, ngân hàng muốn cho vay nhưng không được, bởi bản thân DN không muốn vay do cầu nền kinh tế yếu. Ông có cho rằng, với kỳ vọng lạm phát năm nay ở mức 6%, lãi suất huy động có nên giảm thêm? Ngoài ra, làm thế nào để kích cầu trong toàn nền kinh tế?
Lãi suất thị trường đã giảm rất nhanh trong thời gian vừa qua, ngay cả trước khi NHNN giảm trần lãi suất huy động. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, khó có khả năng NHNN sẽ giảm thêm lãi suất trong năm nay, vì chúng ta vẫn cần kiểm soát lạm phát và giữ ổn định tỷ giá. Lãi suất vay đã giảm xuống mức gần thấp nhất trong lịch sử, nhưng vốn tín dụng không chảy mạnh vào nền kinh tế, trước hết là do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao nên các ngân hàng thận trọng trong việc giải ngân vốn cho các DN có tình hình tài chính chưa hoàn toàn khỏe mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng yếu do cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn yếu. Đối với những DN tốt, các ngân hàng đang tích cực chào các khoản vay vốn với lãi suất cạnh tranh, nhưng nhiều khách hàng chưa muốn vay, vì họ chưa có nhu cầu đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đề kích cầu cho nền kinh tế, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào phương thuốc hạ lãi suất. Việt Nam vẫn cần kiên định thực hiện cải cách hệ thống ngân hàng nhằm giải quyết tình hình nợ xấu, cải cách các DN quốc doanh, bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DNNN, nới trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN không nằm trong lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế, cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà… Việc thực hiện cải cách cần có lộ trình và chiến lược cẩn trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là thị trường đang kỳ vọng vào các bước cải cách được thực hiện cụ thể và có lộ trình rõ ràng. Chính các tín hiệu này sẽ làm tăng niềm tin của người tiêu dùng vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian tới và kích cầu cho toàn bộ nền kinh tế.
--------------------------------------------------
Ông Hoàng Minh Hoàn Giám đốc Trung tâm Quản lý nguồn SCB
"Khả năng dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng là không đáng kể”
Từ đầu năm đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng âm 1,5%, trong khi huy động tăng ròng 1,9%. Tình trạng thừa vốn khiến nhiều ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động, cả kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 6 tháng trở lên. Như vậy, quyết định giảm trần lãi suất huy động của NHNN là phù hợp với hiện thực khách quan của thị trường và được các ngân hàng cũng như người gửi tiền đón nhận một cách “nhẹ nhàng”. Mức giảm trần lãi suất 1%/năm của NHNN khá sát với tình hình thị trường, nên khả năng dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng (nếu có) sẽ không đáng kể.
Lãi suất huy động giảm dẫn đến lãi suất cho vay giảm theo, do đó sẽ khuyến khích người dân và DN mạnh dạn hơn trong việc vay vốn kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn hiện nay, SCB không quá đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, thay vào đó sẽ ưu tiên hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Về vấn đề lãi suất thực dương, tôi cho rằng, lạm phát mục tiêu mà NHNN đề ra cho năm 2014 là 7%, nhưng CPI 2 tháng đầu năm tăng khá thấp, lạm phát cả năm có thể thấp hơn kỳ vọng. Như vậy, mức trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng hiện nay là khá phù hợp.
--------------------------------------------
Ông Nguyễn Tiến Đông Phó tổng giám đốc Agribank
“Cơ cấu nguồn vốn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều”
Agribank đã ban hành các mức huy động vốn mới từ ngày 18/3. Theo tôi, cơ cấu nguồn vốn sẽ không ảnh hưởng gì lớn, bởi thực tế hiện nay, CPI những tháng đầu năm có chiều hướng thấp, người gửi tiền vẫn có lợi. Gửi tiền trên 12 tháng, lãi suất hơn 7%/năm, vẫn phù hợp cho những người có nguồn tiền gửi dài hạn. Từ đầu năm đến nay, đối với hệ thống Agribank, tăng trưởng nguồn vốn là 5%, nhưng riêng với huy động vốn dân cư tăng trên 9%. Cơ cấu nguồn vốn, nguồn vốn trung và dài hạn không biến động động nhiều, nguồn vốn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng tăng trưởng cao.
Đợt hạ lãi suất huy động này cũng là cơ sở để Agribank triển khai lãi suất cho vay mới theo mặt bằng mà Chính phủ, NHNN chỉ đạo đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ..., cho vay với lãi suất tối đa 8%/năm. Riêng cho vay ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, lãi suất tối đa là 7%/năm. Agribank sẽ lựa chọn một số chương trình trọng điểm để hạ lãi suất xuống 7%/năm, tạo cơ hội cho khách hàng mở rộng đầu tư theo chiều sâu để nâng cao chất lượng chế biến, năng lực cạnh tranh, hạ giá thành đầu vào…