Thời gian qua, lãi suất thị trường 2 tăng trong bối cảnh một lượng tiền lớn được hút về thông qua việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ và tín phiếu thị trường mở chưa đáo hạn. Ông có nhận xét gì về diễn biến này?
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia |
Lãi suất tăng là câu chuyện chung của cả thế giới trong năm nay. Đối với Việt Nam, lãi suất thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) hiện tăng khoảng 0,3 - 0,8%/năm so với đầu năm, tùy thuộc vào thời hạn gửi tiền. Lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) cũng đã và đang nhích lên, nhưng tăng ở mức độ vừa phải, dù có một vài phiên tăng đột biến.
Các diễn biến này cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm trước. Nhưng đây là thực tế đúng với tình hình năm nay, vì kinh tế đang phục hồi tốt, tín dụng tăng trưởng tương đối nhanh trong 7 tháng đầu năm (khoảng 9,4%), trong khi huy động vốn tăng thấp hơn (khoảng 5%).
Tôi cũng muốn nhấn mạnh là diễn biến thanh khoản trên chỉ phản ánh bối cảnh trong ngắn hạn, chứ không phải diễn biến lâu dài. Trong thời gian tới, với nhiều sản phẩm tiền gửi linh hoạt và thanh toán số, nguồn tiền gửi sẽ quay trở lại. Tất nhiên, huy động vốn sẽ không mạnh mẽ như 2 năm trước khi cơ hội sản xuất - kinh doanh trong năm nay đang nhiều hơn, nhưng đây là điều tích cực cho nền kinh tế.
Và như vậy, tiền không còn đổ mạnh vào kênh ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản như 2 năm qua. Đồng thời, trong bối cảnh chung thời điểm hiện nay, tín dụng mới khó khăn hơn do nhiều ngân hàng đã kịch trần hạn mức tăng trưởng tín dụng, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp bước vào giai đoạn trầm lắng hơn, doanh nghiệp cũng như người dân bắt đầu dùng nhiều hơn nguồn tiền tự có của mình để phục vụ sản xuất - kinh doanh, vốn là một phần tiền gửi ngân hàng lâu nay.
Tóm lại, diễn biến lãi suất trên thị trường 2 là ngắn hạn, chứ không kéo dài. Mặt bằng lãi suất trên cả hai thị trường (1 và 2) đang tăng là không bất ngờ khi đây là xu hướng chung của thế giới trong năm nay, đồng thời, thanh khoản cả thị trường cũng kém hơn so với các năm trước.
Lãi suất thị trường 1 tăng, trong khi tín dụng chưa được nới lỏng hạn mức tăng trưởng. Theo ông, các tổ chức tín dụng tăng lãi suất để làm gì?
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm nay về chính sách tiền tệ là “thận trọng, linh hoạt, chủ động, hiệu quả”, chứ không phải thắt chặt.
Vì 3 lý do chính. Một là, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát tăng cao, người gửi tiền mong muốn lãi suất thực dương. Hai là, các tổ chức tín dụng phải củng cố thanh khoản khi tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn. Ba là, các tổ chức tín dụng cũng phải chuẩn bị nguồn vốn để khi được bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ sẵn sàng có nguồn tiền để cho vay tiếp. Điều này là hết sức bình thường.
Riêng với lãi suất cho vay, tôi cho rằng, về cơ bản, các ngân hàng sẽ cố gắng giữ ổn định như định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, trong đó có cấu phần hỗ trợ lãi suất 2%. Bản thân chương trình phục hồi cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thực tế, điều này là khó khăn vì lãi suất đầu vào tăng mạnh và tiết giảm chi phí cũng chỉ ở mức độ nào đó.
Theo quan sát của tôi thì mức độ tiết giảm chi phí của hệ thống ngân hàng tương đối tốt. Ví dụ, tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động bình quân của các ngân hàng trên thế giới vào khoảng 35 - 40% thì tỷ lệ này tại các ngân hàng Việt Nam đang ở mức 30 - 32%. Điều này chứng tỏ các ngân hàng Việt Nam đã và đang kiểm soát chi phí tương đối tốt. Ngân hàng có thể tiết giảm một số chi phí khác bằng cách tăng cường chuyển đổi số, tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa…, nhưng cũng chỉ được một phần nào đó.
Các ngân hàng sẽ phải phấn đấu, nỗ lực để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Có một số khoản vay, một số khách hàng, một số dự án mà lãi suất có thể tăng lên, nhưng chỉ là cục bộ và dựa vào mức độ rủi ro của khoản vay, khách hàng hay dự án đó, chứ không phải của cả hệ thống. Theo đó, biên lãi vay (chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ròng) sẽ nhỏ hơn so với 2 năm qua. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu từ nhiều kênh khác nhau.
Liên quan mật thiết đến câu chuyện lãi suất VND, cả lãi suất huy động và cho vay bằng USD đang tăng theo xu hướng chung của thế giới và chúng ta không chủ động được. Tuy nhiên, có một điểm tích cực là hiện nay, tỷ lệ đô la hoá ở Việt Nam khá thấp, khoảng 6%. Trong bối cảnh lãi suất USD tăng, tỷ giá tăng có gây áp lực với doanh nghiệp, thế nhưng chủ yếu là khối doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước ít chịu áp lực hơn, về cơ bản vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên nâng lãi suất huy động USD hiện vẫn bằng 0. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không đồng tình quan điểm nâng lãi suất huy động USD ở thời điểm hiện nay, bởi nếu nâng lãi suất có thể dẫn đến tình trạng người dân găm giữ ngoại tệ, càng làm khan hiếm ngoại tệ, đẩy tỷ giá tăng, tình trạng đô la hoá tăng, có thể khiến vĩ mô bất ổn, xáo trộn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần kiên định trong vấn đề giữ lãi suất huy động USD bằng 0.
Mặc dù không nâng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phương thức đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở. Qua đó, lãi suất nghiệp vụ này bị kéo vọt lên tới 5%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất 2,5%/năm cố định trước đó. Cùng với lãi suất tăng trên các “mặt trận”, liệu đó có phải là thông điệp sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành mới là thắt chặt tiền tệ. Hay nói một cách khác, tín hiệu của Ngân hàng Nhà nước nếu đưa ra sẽ là động thái liên quan đến lãi suất điều hành, trong khi lãi suất tái cấp vốn hiện nay vẫn đang giữ nguyên ở mức 4%/năm. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm nay về chính sách tiền tệ là “thận trọng, linh hoạt, chủ động, hiệu quả”, chứ không phải thắt chặt. Bên cạnh đó, chính sách tài khoá cũng được Thủ tướng chỉ đạo rất rõ là “mở rộng, hợp lý, hiệu quả”.
Ngân hàng Nhà nước hiện nay vẫn quan ngại câu chuyện lạm phát và thanh khoản của hệ thống ngân hàng nên thận trọng với việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần tính toán, ước tính lượng tiền cung ra nền kinh tế từ nay đến cuối năm như thế nào, trong đó bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI và tín dụng, phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Lạm phát năm nay chủ yếu do chi phí đẩy, do cầu kéo ở mức độ vừa phải, nên cung tiền dù là một vấn đề cần quan tâm nhưng không nên thái quá, trong bối cảnh nhu cầu vốn của nền kinh tế cao do đang phục hồi và chi phí nguyên vật liệu tăng.
Lãi suất tăng và tín dụng bất động sản vượt trội có mối liên hệ nào không, thưa ông?
Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (9,4%), chiếm tỷ trọng 20,74% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,36 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung vào cho vay nhà ở (1,58 triệu tỷ đồng, tăng 17%, chiếm tỷ trọng 67%), dư nợ tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản là hơn 780 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Số liệu trên cho thấy, tín dụng bất động sản tăng chủ yếu liên quan đến phân khúc nhà ở. Đây cũng có thể coi là mặt tích cực, vì mức tăng thường gắn với nhu cầu thực nhiều hơn. Còn trong tổng thể, tăng trưởng tín dụng bất động sản ở mức 14% và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 7% tổng dư nợ cho nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước và trong tầm kiểm soát.