Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, lãi suất cho vay thực tế đã giảm đáng kể thời gian gần đây và vẫn trong xu hướng giảm, lý do bởi Nhà nước đã có nhiều chính sách để giảm lãi suất.
Về cơ hội giảm lãi suất bình quân, theo ông Tùng là khó, nhưng sẽ thuận lợi hơn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ là nông nghiệp và nông thôn; sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Tùng lý giải, trước định hướng của Chính phủ, các ngân hàng đều tập trung cho vay trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên này, tạo nên sự cạnh tranh nhất định. Cung nhiều hơn cầu, nên cá nhân và doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn ngân hàng. Để cạnh tranh lẫn nhau, cũng như giữ chân khách hàng, các ngân hàng đều phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, trong đó việc giảm lãi suất.
Không hiếm trên thị trường có những doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất VND chỉ 5%/năm
- Ông Nguyễn Đình Tùng,Tổng giám đốc OCB
Bên cạnh đó, nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã siết tỷ lệ cho vay trung-dài hạn nhằm tuân thủ chỉ số thanh khoản, nên nguồn vốn sẽ được ưu tiên cho vay ngắn hạn.
“Không hiếm trên thị trường có những doanh nghiệp vay ngân hàng với lãi suất VND chỉ 5%/năm”, ông Tùng cho biết.
Thực tế thị trường tháng 5/2017 cho thấy, khó khăn cục bộ về thanh khoản đã giảm. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ cho vay/huy động ước tính của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 5/2017 đạt khoảng 87%, giảm nhẹ so với tháng 4 (88%).
Tăng trưởng huy động vốn 5 tháng đầu năm 2017 ước tăng 4,3% so với cuối năm 2016. Đáng lưu ý, thanh khoản được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm (tính đến cuối tháng 4/2017, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 122.000 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm).
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giữ mức 2%/năm trong 3-4 tuần nay, còn các kỳ hạn khác giảm dần về 4-4,2%/năm (tính đến 22/5/2017), giảm khoảng 0,8-1 điểm % so với đầu tháng.
Trên thị trường mở, NHNN liên tục hút ròng, đạt 28.256 tỷ đồng trong tháng 5 và 8.889 tỷ đồng từ đầu năm đến 22/5. Trên thị trường 1, đến cuối tháng 5, chỉ có lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng và dài hạn tăng nhẹ từ 0,01-0,02%/năm, các kỳ hạn khác hầu như giữ nguyên so với cuối tháng trước.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 5%/năm, tăng 0,01%/năm; 6 tháng là 6,15%/năm, 12 tháng là 6,94%/năm và 12-36 tháng là 7,09%/, đều tăng 0,02%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ít thay đổi so với tháng trước.
Theo NHNN, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.
Ông Chiêm Minh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB phân tích, kỳ vọng ổn định lãi suất trong năm 2017 đang được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô, khi áp lực tỷ giá đang được giảm thiểu do đồng USD đã điều chỉnh mạnh so với đầu năm.
Phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do trong tháng 5/2017 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước, cũng như từ đầu năm bởi: nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (M&A) và FDI tăng mạnh; chỉ số Bloomberg Dollar Index giảm liên tiếp, từ đó giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD (tính đến cuối tháng 5/2017, chỉ số này đã giảm 5,36% so với đầu năm).
Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong ngắn hạn với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực đối với tỷ giá.
Một yếu tố hỗ trợ lãi suất liên quan đến chính sách được ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank chia sẻ, đó là thị trường rất quan tâm đến Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang trong giai đoạn “rậm rạp” hiện nay, bên cạnh Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét.
Ngày 16/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2017/NĐ-CP về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
“Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD có thể được xem xét thông qua sớm nhất vào ngày 20/6/2017 và đi vào cuộc sống sẽ giải phóng được nợ xấu tồn đọng, giảm bớt chi phí cho các ngân hàng, dẫn đến lãi suất có khả năng giảm được, cho vay nhiều hơn, nền kinh tế sẽ phát triển”, ông Hưởng nói.