Đầu tháng 4, sau khi Chính phủ phát ra thông điệp hạ lãi suất, chúng tôi kỳ vọng chuyển động giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng khả quan với sự điều chỉnh về nới lỏng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xảy ra một cách rõ rệt từ cuối tháng 5 khi mà áp lực lạm phát sẽ chính thức bộc lộ xu thế đi ngang. Trên thực tế, mặc dù áp lực lạm phát đã được kiểm soát với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI 0,14% trong tháng 4; 0,27% trong tháng 5; 0,22% trong tháng 6 và 0,06% trong tháng 7, nhưng quá trình giảm lãi suất và nới lỏng cung tín dụng đã diễn ra với tốc độ khá chậm.
Kể từ tháng 5, mặt bằng lãi suất cho vay thực tế 16 -18% mà phần lớn DN phải chấp nhận hiện giảm về mức 14-16%. Hiện tại, lãi suất huy động từ dân cư và DN (thị trường 1) của các NHTM các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên cũng xoay quanh mức 10,8-11,2% và các hình thức khuyến mại, thưởng lãi suất đã được giảm thiểu đáng kể. Mức lãi suất 12-13% của một số ngân hàng thông báo để hưởng ứng chỉ đạo về giảm lãi suất của NHNN chủ yếu chỉ áp dụng cho các DN xuất khẩu kèm theo điều kiện phải bán ngoại tệ cho ngân hàng và các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các phương án kinh doanh hiệu quả, kèm theo các biện pháp kiểm soát dòng tiền chặt chẽ của ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt mức 10,5%, trong đó tín dụng bằng VND chỉ tăng 4,6%, trong khi tín dụng bằng USD tăng 27%.
Trong vòng 1-2 tháng nay, thông điệp giảm lãi suất được NHNN và Chính phủ đưa ra dồn dập và mạnh mẽ hơn, song tình trạng giằng co về lãi suất khi mà ngân hàng thì chậm chạp điều chỉnh giảm, còn một số DN không gấp gáp về nhu cầu vốn lại có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm.
Lãi suất tiền gửi từ thị trường 1 dường như đi ngang mặc dù lạm phát đi ngang và kỳ vọng lạm phát đang ở mức độ ổn định rõ rệt trong bối cảnh mức hồi phục của kinh tế thế giới đang diễn ra với tốc độ vừa phải, do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu và nhiều nước lớn như Trung Quốc, Australia, Canada bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích kinh tế đặc biệt của thời kỳ khủng hoảng. Hiện tại, lãi suất thực điều chỉnh theo kỳ vọng lạm phát mà người gửi tiền nhận được khoảng 2,5-3% (lạm phát kỳ vọng hiện tại khoảng 8-8,5% so với mức 9-10% hồi đầu đầu năm và lãi suất tiền gửi thực tế bình quân khoảng 11,5% vì lãi suất tiền gửi thực tế quý I/2010 lên đến 12%), cao hơn mức 1-2% trong năm 2009 (lãi suất bình quân khoảng 9% trong khi lạm phát kỳ vọng là 7-8%).
Xu thế giằng co về lãi suất chỉ có thể giải quyết được khi có các biện pháp mạnh tay nới cung tín dụng của NHNN. Do dự trữ bắt buộc của tiền gửi VND và USD cũng như lãi suất công cụ của NHNN đã khá thấp, biện pháp nới lỏng cung tín dụng một cách chủ động còn lại của NHNN là việc bơm tiền qua thị trường mở với lãi suất quanh mức 7%, với khối lượng dồi dào cho các NHTM sẵn có trái phiếu chính phủ. Với việc duy trì bơm tiền trên thị trường mở đều đặn trong 2-3 tháng qua khiến cho nguồn vốn trên thị trường 2 khá dồi dào, song các NHTM bị hạn chế bởi việc không được sử dụng vốn ở thị trường 2 quá 20% vốn từ thị trường 1, nên việc tận dụng lãi suất thấp và nguồn dồi dào trên thị trường 2 để hạ lãi suất huy động và cho vay là khá hạn chế. Vì vậy, giới hạn 20% cũng là một chốt chặn khiến cho việc nới lỏng cung tín dụng giảm tác dụng. Nếu giới hạn này được tăng lên, các NHTM có thể có nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ nhất định cho việc hạ lãi suất.
Với việc lãi suất trên thị trường mở khoảng 7% và lãi suất trái phiếu chính phủ 2-5 năm khoảng 10-10,5% đã khiến cho các NHTM tích cực mua sơ cấp trái phiếu chính phủ, do không sử dụng được hết năng lực cung ứng vốn trên thị trường 2. Trong 7 tháng đầu năm, lượng trái phiếu chính phủ phát hành đã đạt khoảng hơn 80.000 tỷ đồng, trong đó riêng trong quý II đạt khoảng hơn 50.000 tỷ đồng, cho thấy, các NHTM đã tăng cường đầu tư trái phiếu do hạn chế đầu ra trên thị trường 2. Điều đó cho thấy, khi các NHTM bị siết chặt sử dụng vốn thị trường 2 cho vay DN thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên rất dồi dào. Nếu các ngân hàng nhỏ tăng được đáng kể lượng trái phiếu chính phủ nắm giữ thì họ sẽ tăng cường được khả năng tiếp cận kênh nới lỏng tiền tệ dường như là duy nhất của NHNN. Đây là yếu tố quan trọng có thể giúp cho việc thực thi giảm lãi suất.
Bên cạnh việc cởi mở hơn về lượng tín dụng, chúng ta chứng kiến các biện pháp siết về chỉ tiêu an toàn với các NHTM với Thông tư 13 ban hành ngày 20/5/2010 về quy định chi tiết các chỉ tiêu an toàn hoạt động ngân hàng, mà cụ thể nhất tăng tỷ lệ an toàn vốn từ 8 lên 9% áp dụng từ 1/10/2010 cũng như quan điểm chặt chẽ về lộ trình có phương án tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng được NHNN phê chuẩn trong năm 2010.
Chúng tôi cho rằng, việc nâng cao năng lực tài chính và chất lượng tài sản của các NHTM sẽ có tác động tránh tăng trưởng tín dụng nóng và làm tăng trưởng tín dụng bền vững hơn là thiên về siết chặt tín dụng. Do đó, nếu tháo gỡ nút thắt về chính sách tiền tệ và có sự thay đổi về cơ cấu nắm giữ trái phiếu của các NHTM nhỏ thì lãi suất có thể giảm nhanh hơn tốc độ hiện tại trong quý III và quý IV, mặc dù đây là thời điểm nhu cầu vay vốn cao cũng như là thời điểm có hiệu lực của một số chính sách siết chặt chỉ tiêu an toàn và năng lực vốn của ngân hàng.