LS huy động và cho vay hiện chưa thể giảm mạnh, áp lực trả lãi cho NH vẫn cao nên DN thích vay ngoại tệ hơn VND. Trong khi xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi tiết kiệm USD sang VND lại tăng lên, do chênh lệch LS giữa tiền đồng và ngoại tệ quá lớn; tỷ giá hối đoái yếu dần… là lý do để một số NH tính đến việc tái tăng LS huy động tiền "đô". Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho biết, ACB đang tính đến việc tái gia tăng LS huy động vốn bằng ngoại tệ, do diễn biến thị trường tài chính thế giới phức tạp. Được biết, LS tiền gửi USD cao nhất tại ACB hiện là 5,5%/năm.
Trước đó, ngày 8/10, Eximbank quyết định tăng mạnh LS huy động USD sau nhiều lần cắt giảm, mức cao nhất lên đến 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, cao hơn hẳn so với các NHTMCP quy mô vừa và nhỏ đang áp dụng. So với LS cơ bản đồng USD mà FED đang áp dụng, hiện LS tiền gửi USD của NH trong nước cao hơn khoảng 5 lần. Theo lý giải của một cán bộ Eximbank, việc tái tăng LS tiết kiệm bằng ngoại tệ là nhằm mục đích gia tăng nguồn huy động vốn bằng USD, đáp ứng nhu cầu vốn của DN tăng cao dịp cuối năm.
Thực tế, để giải ngân được vốn trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, đồng thời "lách" quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hạn chế cho vay ngoại tệ, gần đây các NH đã tung ra sản phẩm "tài trợ vốn bằng VND, theo LS USD". Chẳng hạn như ACB đưa ra hạn mức vốn 50 triệu USD để hỗ trợ DN xuất khẩu vay VND theo LS USD. Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB, nhu cầu vốn gia tăng dịp cuối năm, nhưng do chi phí vốn vẫn là áp lực cản trở lớn nên DN có xu hướng thích vay USD hơn tiền đồng, vì LS vay ngoại tệ chỉ ở mức 6,5 - 10%/năm.
ACB vừa điều chỉnh LS hỗ trợ DN xuất khẩu trước khi giao hàng vay tiền đồng theo lãi suất USD xuống còn 7,7 - 8,8%/năm; mức 6,3 - 7,7%/năm cho vay đảm bảo bằng khoản phải thu từ bộ chứng từ xuất khẩu. Còn Eximbank sau khi giải ngân hết 2.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu vay tiền đồng theo LS ngoại tệ, NH này vừa tiếp tục "bơm" thêm 3.000 tỷ đồng để cho DN xuất khẩu vay, với LS 6,6%/năm. Sacombank, ABBANK cũng có động thái tương tự, cho vay VND theo LS ngoại tệ, dao động ở mức 8 - 9%/năm…
Tổng giám đốc một NH thừa nhận, thực tế các NH đã cho vay ngoại tệ thông qua hình thức "hỗ trợ vốn bằng VND, theo LS ngoại tệ", nhằm giảm áp lực cho DN. Vì vậy, DN phải có cam kết bán lại USD cho NH sau khi thu tiền từ xuất khẩu theo tỷ giá tại thời điểm giải ngân. Đại diện NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để giải ngân được vốn không còn là chuyện dễ dàng của các NH và hình thức trên được xem là một dạng "biến báo" nhằm tránh Quyết định số 09/2008/QĐ-NHNN của NHNN về thu hẹp nhu cầu được vay vốn bằng ngoại tệ.
LS huy động tiền đồng hiện vẫn cao gần gấp ba so với USD. Cụ thể, LS tiền gửi VND trên dưới 17%/năm, còn LS huy động USD cao nhất hiện nay chỉ trên mức 6%/năm. Tỷ giá trên đà suy yếu là nguyên nhân dẫn đến xu hướng dịch chuyển tiết kiệm USD sang VND gia tăng. Tỷ giá VND/USD ổn định và dao động xoay quanh mức 16.560 VND/USD, giảm gần 3.000 VND/USD so với mức đỉnh trong tháng 6/2008. Thậm chí, tỷ giá giao dịch của các NHTM thấp hơn mức trần cho phép từ 100 - 300 VND/USD. Còn tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tỷ giá trên thị trường chính thức.
Huy động vốn bằng ngoại tệ đang có dấu hiệu chững lại và giảm dần, do tác động bởi những yếu tố trên. Theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng vốn huy động của các NH trên địa bàn tính đến cuối tháng 9/2008 ước đạt 542.000 tỷ đồng, tăng 27,2% so cùng kỳ, tăng 11,3% so đầu năm; trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 29,9%. Còn tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 ước đạt 484.000 tỷ đồng, tăng 45,2% so cùng kỳ, tăng 19,1% so đầu năm; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 139.000 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ, tăng 39,1% so cùng kỳ… Có thể thấy, tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngoại tệ đang cao hơn nhiều so với con số ngoại tệ huy động.