Lãi suất trước áp lực tăng

0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát tăng cùng với tín dụng cao và tác động từ lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Fed khiến dư địa để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ngày một thu hẹp dần.
Lãi suất trước áp lực tăng

Áp lực lạm phát đẩy lãi tiết kiệm đi lên

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Ngân hàng UOB, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng nhanh, sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế.

Cùng với lạm phát tăng cao, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với mức 5,47% cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với mức tăng trưởng huy động trong nửa đầu năm là một trong những nguyên nhân gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.

Cùng với đó, sức ép thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát theo lộ trình đưa ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến VND đã mất giá 1,74% so với cùng kỳ năm trước. Chính các yếu tố này đã khiến lãi suất VND tăng và không chỉ nhà băng nhỏ, mà cả ngân hàng quốc doanh cũng vào cuộc đua tăng lãi suất.

Thực tế cho thấy, lãi suất tiết kiệm ngân hàng có xu hướng tăng liên tục trong nửa đầu năm, với mức tăng 0,5-1,5% so với cuối năm 2021. Trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm online tại nhiều ngân hàng vượt 7%/năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi, khiến áp lực lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay tăng cao.

Theo TS. Lực, lạm phát ở Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rơi vào thế khó. NHNN yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì được ở mức thấp như hiện nay.

Chính sách nới lỏng tiền tệ dần thu hẹp

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, lộ trình tăng tiếp lãi suất USD của Fed từ nay đến cuối năm 2022 có thể có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên và dù kinh tế trong nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, Ngân hàng UOB cho rằng, NHNN có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Fed, NHNN có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.

Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất 3 lần (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trong năm 2023. MBKE cũng nhận định như vậy, nhưng cho rằng, viễn cảnh này có thể diễn ra vào các tháng cuối năm 2022, nhằm đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định khi Fed tăng mạnh lãi suất, trong khi 2 năm qua, NHNN đã duy trì chính sách nới lỏng. Dù vậy, cũng có những đánh giá rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách này ít nhất cho đến hết năm nay.

Tin bài liên quan