Tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 16 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ, huy động được tổng cộng 18.392 tỷ đồng, tăng 510% so với tháng 4.
Trong đó, 100% trái phiếu huy động được do Kho bạc Nhà nước phát hành. Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 5 đạt 70,3%, khối lượng đặt thầu gấp 2,6 lần khối lượng gọi thầu.
So với tháng 4, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước tháng 5 tăng trên tất cả các kỳ hạn, với mức tăng từ 0,22 - 0,40%/năm.
Trong đó, lãi suất trúng thầu tại kỳ hạn 5 năm và 10 năm tăng mạnh nhất, cùng tăng 0,4%/năm. Cụ thể, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm ở mức 2,2%/năm, 10 năm ở mức 2,63 - 2,9%/năm.
Như vậy, lãi suất trúng thầu tăng, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Trên góc độ vĩ mô, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp là dấu hiệu cho thấy niềm tin của thị trường, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn của đất nước.
Việc phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp sẽ giúp Chính phủ giảm chi phí huy động và ổn định dòng tiền trả nợ, qua đó gánh nặng với ngân sách nhà nước được giảm bớt và tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động hơn trong hoạt động đầu tư phát triển.
Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, việc rót vốn vào trái phiếu chính phủ, chấp nhận mức lãi suất thấp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Ông Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao tại BIDV chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều rủi ro hậu đại dịch Covid-19, các kênh đầu tư an toàn như trái phiếu chính phủ luôn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư tìm bến đỗ tránh bão.
Bên cạnh đó, dù mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ duy trì ở vùng thấp trong thời gian qua, nhưng con số này vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác.
Chưa kể, nhà đầu tư hiện nay theo đuổi chiến lược đa dạng hóa kênh đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời kiểm soát tốt hơn các rủi ro.
Theo số liệu từ SSI Research, lượng gọi thầu của Kho bạc Nhà nước liên tục tăng những tuần gần đây.
Trong tháng 5, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 26.000 tỷ đồng (tăng 58% so với tháng 4), phát hành 18.400 tỷ đồng (gấp 6 lần so với tháng 4 và là tháng phát hành nhiều nhất kể từ đầu năm đến nay); 98,4% lượng phát hành tháng 5 là ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm, với lãi suất trúng thầu lần lượt tăng tổng cộng 47 điểm cơ bản và 22 điểm cơ bản.
Kho bạc Nhà nước đặt kế hoạch phát hành 60.000 - 70.000 tỷ đồng trong quý II/2020. Dù tăng mạnh trong tháng vừa qua, nhưng lượng phát hành đến hết tháng 5 chỉ tương đương 35,8% kế hoạch phát hành quý II/2020 và 21% kế hoạch phát hành cả năm 2020.
Đây là lý do SSI Research đánh giá, nguồn cung phát hành của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6 sẽ ở mức cao và nhu cầu đầu tư của các thành viên thị trường cũng tăng lên, nhất là trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức rất thấp. Lãi suất trúng thầu nhiều khả năng sẽ đi ngang trong tháng 6.
Trong khi đó, BVSC nhận định, những tuần gần đây, lãi suất trúng thầu dần được đẩy lên, từ đó cải thiện tỷ lệ trúng thầu.
Nhiều khả năng trong những tuần tới, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng nhẹ, tạo động lực thu hút dòng vốn, từ đó hỗ trợ khả năng hoàn thành kế hoạch phát hành năm 2020.
Nhận định về khả năng hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2020, nhất là khi sau 5 tháng đầu năm, tỷ lệ hoàn thành mới đạt 21%, ông Lực cho rằng, không cần quá lo lắng.
Thực tế, các hoạt động tài chính vừa quay trở lại trạng thái bình thường sau một thời gian chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch.
Theo đó, việc giá trị phát hành trái phiếu chính phủ tháng 5 ở mức cao nhất kể từ đầu năm cũng là tín hiệu cho thấy thị trường “ấm” hơn sau thời gian giãn cách xã hội.
Theo số liệu từ SSI, sau quý I bán ròng mạnh, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong tháng 4 và tháng 5. Tính chung 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 162.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp.