Lãi suất huy động đi lên
Sau khi liên tục giảm trong nửa đầu năm, lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng trở lại từ tháng 7/2018, nhất là ở kỳ hạn dài, với mức tăng phổ biến từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm.
Mới đây, Techcombank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 6/8, điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm, lên mức 6,5%/năm; khách hàng gửi tiết kiệm online có thể được hưởng lãi suất 6,8%/năm.
Trong khi đó, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, chia nhiều mức tiền gửi với các mức lãi suất khác nhau. Thay vì áp dụng lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 18 tháng chung cho tất cả các mức tiền gửi như tháng 5/2018, hiện tại, Ngân hàng đã tách ra thành các mức: Dưới 200 triệu đồng lãi suất 6,9%/năm; 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng 7%/năm; 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng 7,1%/năm; trên 10 tỷ đồng hưởng lãi suất 7,2%/năm – tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 5.
Tại MB, mức lãi suất huy động cao nhất là 7,5%/năm áp dụng với kỳ hạn 24 tháng. VPBank cũng đã tăng lãi suất từ giữa tháng 7 để thu hút khách hàng cá nhân gửi tiền. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên mức 7,1% - 7,3%/năm.
Lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, lên mức 7,2 - 7,4%/năm.
Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới vào cuối tháng 7, với mức cao nhất lên tới 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng.
So với các hình thức gửi tiền tiết kiệm truyền thống, việc gửi tiết kiệm trực tuyến được hưởng lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, Maritime Bank đang áp dụng lãi suất 8,9%/năm cho gói ưu đãi tiết kiệm M-Saving.
Tại VietA Bank, mức lãi suất cao nhất 8,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Riêng đối với kỳ hạn 7 tháng, khách hàng gửi tiền được hưởng lãi suất 8%/năm, nhưng nếu gửi tiết kiệm qua hình thức online sẽ được hưởng lãi suất 8,1%/năm.
Giảm lãi suất không dễ
Lãi suất huy động tăng lên do áp lực lạm phát, sức ép tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc siết vốn theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 45% đầu năm nay và xuống 40% đầu năm 2019.
Trong bối cảnh lãi suất huy động đi lên, không ít thành viên thị trường bày tỏ lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ chuyển động cùng hướng. Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, hiện chưa có áp lực tăng lãi suất cho vay, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá tốt.
Nhưng muốn giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Theo đó, với quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định.
“Thực tế, biên lãi ròng (NIM) hoạt động ngân hàng tại Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, chỉ trong khoảng 2,2 - 2,4%. Do đó, không nên gây áp lực lên cung tín dụng mà quan trọng là đảm bảo đưa vốn vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản và cho vay tiêu dùng”, ông Lực chia sẻ.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 của ngành ngân hàng ở mức 7,9%, thấp hơn đáng kể so với con số của cùng kỳ các năm 2016 và 2017 (lần lượt ở mức 8,2% và 9,1%). Tuy nhiên, nhiều nhà băng sắp cạn hạn mức (room) tín dụng của năm 2018 và khó có thể kỳ vọng nới thêm.
Trong bối cảnh này, để đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng, các nhà băng vẫn phải tranh thủ đẩy mạnh hoạt động tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản ấm dần lên. Vì thế, việc cạnh tranh huy động, trong đó có cộng thêm biên độ lãi suất tiền gửi là khó tránh.
Qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng đã phát hiện các hạn chế, dấu hiệu vi phạm của các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành quy định về lãi suất theo quy định của NHNN như: Huy động vốn thông qua việc triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay hoặc giá dịch vụ hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng..., làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường.
Vì vậy, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của NHNN về lãi suất huy động; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường giám sát tình hình huy động, cho vay và thanh khoản của tổ chức tín dụng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN xử lý.