Lãi suất tiết kiệm 6 tháng trên 8%/năm
Trong đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi mới nhất ngày 13/10, VietABank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 - 36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) với hình thức gửi online. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng được nâng lên mức 8,3%/năm; 7-11 tháng lên mức 8,5%/năm.
Trước đó, ABBank đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo hướng khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại quầy giao dịch với kỳ hạn 6 tháng hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 8,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng lên tới 8,6%/năm. Từ ngày 11/10, lãi suất huy động cao nhất tại Nam A Bank tăng lên 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Bac A Bank cũng đang áp dụng lãi suất 8,4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi đó, Kienlongbank vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên. SeABank triển khai chương trình “Đầu tư sinh lời hiệu quả” với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tới 8,55%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác đang huy động tiền gửi với lãi suất trên 8%. Viet Capital Bank mới đây đã tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 18 tháng lên mức 8,4%/năm. MSB đã đẩy lãi suất huy động lên mức 8%/năm từ cuối tháng 9. Ngân hàng số Cake by VPBank công bố mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng.
Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB. Với tất cả các chính sách đưa ra, người gửi tiền tại SCB có thể được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 8,92%/năm. Bên cạnh đó, SCB chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Các nhà phân tích của VCBS cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Dự báo mặt bằng lãi suất có thể tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm.
Áp lực từ nhiều phía
Tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại trong những tháng gần đây, song đã cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng huy động vốn. Mới đây, NHNN thông tin, đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, trong khi nhu cầu tín dụng sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, hiện nhiều tổ chức tài chính phải thanh toán hoặc chuẩn bị thanh toán trước hạn trái phiếu do mình phát hành. Trong đó, không ít ngân hàng thương mại phải chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2024 có thể chưa thu hồi đúng hạn được hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn về vốn.
Theo các công ty chứng khoán, trong 2 năm 2022-2023, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có giá trị khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành. Riêng năm 2022, con số là 231.243 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào quý IV và ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.
Thực tế cho thấy, trước biến động của mặt bằng lãi suất theo ngày trên thị trường hiện nay, việc tìm dư địa giảm lãi vay trong quý cuối năm là bài toán không dễ.