Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh khiến kênh tiền gửi bớt hấp dẫn. Ảnh: Đức Thanh
Mặt bằng lãi suất giảm thêm
Biểu lãi suất của các ngân hàng đầu tháng 8/2023 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3 - 7,8%/năm. Riêng với kỳ 6 tháng, có ngân hàng quốc doanh giảm về 5%/năm, tương đương lãi suất thời điểm dịch Covid-19.
Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. VPBank đang niêm yết lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%. Tại ABBank, lãi suất các kỳ hạn từ 13-36 tháng chỉ còn 5,4%/năm (ngang mức lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước), giảm thêm 0,5-1,1 điểm % so với hồi cuối tháng 7.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Thị trường chịu tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chậm chạp trong 6 tháng đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn. Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trước xu hướng giảm lãi suất huy động, theo các nhà phân tích, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của cơ quan quản lý. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Do đó, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
Phát biểu tại một hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fullbright cũng nhận định, từ giờ đến cuối năm 2023, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhưng không quay về mặt bằng trong giai đoạn Covid-19. Lãi suất tiền gửi thời kỳ Covid-19 cao nhất khoảng 7,5%/năm; tăng vọt lên 10,5%, thậm chí 11%/năm cuối năm 2022; hiện giảm khoảng 1%, xuống còn 9,5%/năm.
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng chậm lại
Trước xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, nguồn tiền nhàn rỗi không còn dồn về ngân hàng, mà chuyển dịch sang chứng khoán… Tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.
Đây là số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố và cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, nếu tính chung 5 tháng đầu năm nay, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8,2% so với đầu năm. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Tiền gửi dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao. Sang năm 2023, lãi suất bắt đầu giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với trước Covid-19. Từ tháng 4 năm nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi bớt hấp dẫn.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế lại rút bớt tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 5/2023, tiền gửi của các tổ chức ở mức 5,748 triệu tỷ đồng, giảm 3,45% so với hồi đầu năm. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thanh khoản, còn nhóm doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
Một chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất giảm mạnh thời gian qua thôi thúc dòng tiền chuyển hướng từ tiết kiệm sang chứng khoán. Nếu từ nay đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động giữ mức như hiện nay và giảm thêm, sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, giúp thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, cần phải xem động thái của các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền đầu cơ chứng khoán mang tính chất ngắn hạn, nên khả năng thị trường chứng khoán sẽ trồi sụt, chứ không hoàn toàn tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là thấp hơn khu vực, nhưng thực ra vẫn cao.
“Định giá P/E của doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi, không thấp hơn khu vực, nên không hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Tôi nhận ra điều này khi tiếp xúc với một số nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm thị trường Việt Nam”, vị chuyên gia cho biết.
Ông cho rằng, hiện nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhiều. Đa số nhà đầu tư Thái Lan là nhà đầu tư cá nhân, nên tính chất đầu cơ rất cao. Nhà đầu tư Đài Loan và Trung Quốc cũng vậy. Còn những nhà đầu tư về giá trị cũng cân nhắc khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi mức định giá cao không hấp dẫn đầu tư giá trị.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi lãi suất tiền gửi giảm xuống trong thời gian tới. Theo đó, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5 - 6,8%/năm vào cuối năm 2023 và thấp hơn nữa trong năm 2024. Vì thế, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.