Lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng, nhưng chỉ tăng cao kèm điều kiện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù có tăng nhẹ cuối năm, song lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ tăng ở kỳ hạn dài và để được hưởng mức cao ngân hàng luôn có điều kiện đi kèm. 
Lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng, nhưng chỉ tăng cao kèm điều kiện

Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ

Không ít ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm như: SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, và VietBank. Tuy nhiên, mức tăng cũng khá khiêm tốn, chỉ có một số nhà băng tăng lãi suất tiền gửi lên 7%/năm, nhưng đi kèm là điều kiện giá trị tiền gửi đến hàng trăm tỷ đồng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Chẳng hạn, DongA Bank giữ mức lãi suất cao lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên. HDBank trả lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, song điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, BVBank áp dụng mức 6%/năm cho khách gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Theo lãnh đạo BVBank, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng nhẹ, phản ánh nhu cầu vốn tăng cao của các tổ chức tín dụng vào dịp cuối năm, kết hợp với các chính sách kích cầu tín dụng.

MB cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn, với mức tăng 0,1 điểm phần trăm so với trước đây. Theo đó, kỳ hạn từ 3 - 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,6%/năm; kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 4,2%/năm. Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy đạt 5,7%/năm. Đối với tiết kiệm online, mức lãi suất cao hơn tại quầy khoảng 0,2 điểm phần trăm. Sản phẩm tiền gửi số có lãi suất cao nhất là 5,9%/năm với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên tại MB.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng và giá vàng biến động thất thường, nhiều người sở hữu tiền nhàn rỗi đang cân nhắc lựa chọn gửi tiết kiệm khi lãi suất bắt đầu tăng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho thấy, tính đến cuối tháng 10, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8 - 38% trong tổng tiền gửi. Trong 3 tháng gần đây, nguồn vốn huy động trên địa bàn Thành phố luôn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng bình quân đạt trên 1,5%. Tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân (gồm tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn) tăng 8,3% so với cuối năm 2023. Tổng huy động tiền gửi trên 3,8 triệu tỷ đồng.

Các dự báo được đưa ra từ giới phân tích tài chính, ngắn hạn, xu hướng tăng lãi suất là rõ ràng, nhưng năm 2025 có thể chứng kiến nhiều thay đổi theo hướng ổn định hơn, tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và định hướng chính sách tín dụng của Chính phủ.

Yêu cầu giảm lãi suất cho vay

Ngược dòng xu hướng tăng của lãi suất tiết kiệm, mặt bằng lãi suất cho vay duy trì khá ổn định. Hiện lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đã được ngân hàng xuống mức 8 - 10%/năm, tùy theo lĩnh vực và đối tượng khách hàng. Một số gói vay ưu đãi thậm chí còn có mức lãi suất dưới 7%/năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu, và các ngành nghề ưu tiên. Thậm chí, Agribank còn đưa ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 2,6%/năm; 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 122/CĐ-TTg yêu cầu Thống đốc NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2025.

NHNN được giao điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng.

Chiều cùng này, NHNN đã ban hành Công văn số 9774 yêu cầu các TCTD ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay,... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các TCTD tiếp tục chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) trên trang thông tin điện tử của TCTD. Tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng về việc giảm lãi suất cho vay, công bố thông tin về lãi suất; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách của TCTD.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai các biện pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng có ưu đãi lãi suất cho vay (nếu có) đến khách hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn; chỉ đạo giám sát các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn việc triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Tin bài liên quan