Lãi suất tiếp tục giảm, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng

Lãi suất tiếp tục giảm, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh nhưng tiết kiệm vẫn là kênh được không ít người lựa chọn trong bối cảnh một số kênh đầu tư khác đang bị tác động bởi đại dịch covid-19, lạm phát thấp, vàng tăng mạnh song rủi ro khó lường...

Tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng

Đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm trị giá 1,1 tỷ đồng (kỳ hạn gửi 6 tháng), chị Thúy Ngân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ra một chi nhánh của BIDV trên cùng địa bàn để xem xét lãi suất trước khi có quyết định tái tục sổ tiết kiệm hoặc tất toán.

Nhìn vào biểu lãi suất mới được giao dịch viên quầy của BIDV trao, chị Ngân khá bất ngờ khi lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh thời gian cách đây 6 tháng.

Hiện lãi suất tiền gửi 6 tháng bằng VND được BIDV áp mức 4,4%/năm, giảm 1% so với lúc chị Ngân gửi tiền 6 tháng trước. Thế nhưng, cuối cùng chị Ngân cũng quyết định tái tục sổ tiết kiệm, nhưng với kỳ hạn tiền gửi dài hơn 12 tháng được hưởng mức lãi suất 6%/năm.

Vì theo chị Ngân, với số tiền tích lũy không nhiều nên khó đầu tư vào bất động sản bởi đòi hỏi nguồn vốn lớn 3-4 tỷ đồng, trong khi đầu tư mua vàng rủi ro khá cao bởi giá biến động khá mạnh và khó lường... Do đó, gửi tiết kiệm được xem là phương án tốt được chị Ngân lựa chọn.

Không như chị Ngân, ông Quang Nhật – một khách hàng của Nam A Bank cho hay, vì là người về hưu nên với số tiền tích lũy có được trên 800 triệu đồng, ông chỉ gửi vào ngân hàng để lấy tiền lãi hàng tháng chi tiêu, không có ý định rút vốn.

Bởi theo ông Nhật, muốn đầu tư phải tìm hiểu và nắm bắt được thông tin, trong khi ông không biết nhiều về các kênh đầu tư và lo ngại nếu rủi ro sẽ mất vốn.

Chính vì thế, dù lãi suất tiết kiệm có chiều hướng đi xuống, ông Nhật vẫn chọn Nam A Bank gửi kỳ hạn 12 tháng. Nam A Bank bắt đầu từ ngày 1/10 đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 3,95%/năm, 6 tháng ở mức 6,3%/năm, 12 tháng ở mức 7%/năm.

Làm bài toán với 1,1 tỷ đồng để dành đầu tư việc học cho con mà khách hàng đem gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng. Với lãi suất 7%/năm, nếu gửi trong 5 năm, tiền lãi tính được hơn 370 triệu đồng.

Nếu tính cả số tiền lãi nhập với tiền gốc, tổng cộng khách hàng có trong tay gần 1,5 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lợi gần 50% sau 5 năm như thế là khá cao, mà không rủi ro, khi cần tiền có thể rút dễ dàng nên nhiều người vẫn lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm.

Thực tế cho thấy, không phải đến ngày 1/10/2020 sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, các ngân hàng mới bắt đầu giảm lãi suất huy động tiết kiệm mà trước đó đã cắt nhiều. Thế nhưng, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. Gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch Covid-19, dù lãi suất liên tục đi xuống.

Số liệu của NHNN cho biết, tính tới 30/9, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 6,09%, thấp hơn đáng kể so với mức 9,4% cùng kỳ năm 2019, và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng huy động vốn là 8,92% (so với đầu năm 2019).

Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc lãi suất đi xuống nhưng lượng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng cho thấy gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các kênh đầu tư khác ảm đạm.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho rằng, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức 4% cũng tác động tích cực lên tiết kiệm. Theo ông Trung, mặt bằng lãi suất sẽ theo xu hướng giảm thời gian tới.

NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, huy động vốn trên địa bàn thành phố đến hết tháng 9/2020 nhìn chung duy trì tốc độ tăng trưởng 6% so với cuối năm 2019.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước, tác động đến các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, từ đó cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động của huy động và tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng, dù lãi suất tiết kiệm giảm.

Trong khi đó, VCBS đưa ra nhận định rằng, ở thời điểm này, tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cư dân dù thấp hơn các năm trước, nhưng chưa đáng lo ngại. Do người dân có xu hướng giữ một phần tiền mặt trước bối cảnh lo ngại dịch bệnh kéo dài.

… dù lãi suất liên tục giảm

Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng theo thống kê mới nhất của NHNN.

Tuy nhiên, sau đợt giảm lãi suất điều hành ngày 30/9 của NHNN, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ giảm thêm. Bắt đầu từ ngày 1/10, các ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất huy động vốn.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của ACB giảm 0,1%, còn 3,6-3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 và 3 tháng giữ nguyên từ 3,8-3,9%/năm. VietCapitalBank lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng giảm còn 3,9%/năm.

LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn 3 - 6 tháng từ ngày 1/10 giảm 0,2%. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giữ nguyên mức 3,7%/năm. Saigonbank từ 1/10, giảm mạnh tới 0,2-0,7% ở một số kỳ hạn.

Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) có mức lãi suất thấp nhất hệ thống. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6%, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 4,4 - 4,5% và 3 - 5 tháng là 3,5 - 3,8%/năm và không kỳ hạn là 0,1%/năm.

Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây được cho là do thanh khoản của các NHTM khá dồi dào, trong khi đó tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm nên lãi suất sẽ theo xu hướng giảm.

Theo dự báo của các chuyên gia SSI Research trong một báo cáo mới đây, chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì, thanh khoản các ngân hàng thương mại sẽ vẫn dồi dào. Lãi suất trên liên ngân hàng được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp từ 10-30 điểm cơ bản trong thời gian tới.

VCBS cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, lãi suất huy động có thể giảm 0,8 - 1 điểm % trong năm nay.

Mặc dù lãi suất đã và dự báo còn giảm trong thời gian tới, song có tiền tích luỹ, tiền nhàn rỗi thì gửi ngân hàng vẫn là thói quen của người Việt Nam lâu nay. Trong tư duy của nhiều người, ngân hàng giống như một chiếc két lớn, bất khả xâm phạm trong mọi điều kiện.

Vì vậy, dù lãi suất có kéo thấp xuống tới 6-7%/năm thì người dân vẫn chọn đây như một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và không rủi ro.

Ngay cả ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cũng cho rằng, giá vàng được dự báo còn tăng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm, song người dân không nên rút tiết kiệm chuyển hết sang vàng mà có tiền nhàn rỗi nên chia nhỏ vào các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời phù hợp như: tiết kiệm, vàng, bất động sản...

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao nhận định, lạm phát năm nay 4% thì lãi suất vẫn ở mức cao. Để có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng cầu tín dụng theo TS Lịch, cần nỗ lực giảm lãi suất. Tuy nhiên, với mặt bằng hiện nay lãi suất khó kỳ vọng giảm sâu thêm.

NHNN chính thức hạ lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm. Lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm... được điều chỉnh giảm 50 điểm cơ bản từ ngày 1/10.

Cụ thể, lãi suất tối đa với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN 3 lần kể từ đầu năm nay để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân giúp mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm.

Tin bài liên quan