Nhu cầu huy động vốn tại nhiều ngân hàng gia tăng khi tín dụng tăng tốc.

Nhu cầu huy động vốn tại nhiều ngân hàng gia tăng khi tín dụng tăng tốc.

Lãi suất tiền gửi đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi, lãi suất huy động có xu hướng đi lên và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Cạnh tranh thu hút tiền gửi...

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng lãi suất tiết kiệm của dân cư vẫn có chiều hướng đi lên trong thời gian gần đây.

Cụ thể, Techcombank sau một thời gian để lãi suất tiền gửi thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối mới đây đã tăng thêm 0,3%/năm lãi suất tiền gửi tại quầy đối với kỳ hạn 36 tháng, mức tăng đối với các kỳ hạn ngắn từ 0,3 - 0,45%/năm, lãi suất một số sản phẩm tiết kiệm online được cộng thêm 0,3%/năm. Ngoài ra, nhằm thu hút khách hàng mới, Techcombank có chính sách tặng thêm 0,5%/năm lãi suất đối với khách hàng gửi tiền lần đầu.

KienlongBank cũng vừa điều chỉnh một loạt mức lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 7 tháng dành cho khách hàng cá nhân tăng 0,1 - 0,3%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 9 tháng dành cho khách hàng doanh nghiệp tăng 0,1 - 0,4%/năm. Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất cao nhất của KienlongBank là 6,75%/năm. Đối với tiền gửi trực tuyến, lãi suất cao hơn 0,2 - 0,3%/năm so với mức huy động tại quầy.

Tương tự, VPBank tăng thêm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng, đưa lãi suất lên 6,4%/năm. Trường hợp giá trị tiền gửi trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất cao hơn 0,3 - 0,5%/năm so với gửi tại quầy.

Hiện tại, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 7%/năm như VPBank là 6,9%/năm, SCB là 7,5%/năm…, nhưng đi kèm điều kiện gửi tiền số lượng lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động một phần bởi áp lực lạm phát, đồng thời do lãi suất của nhiều ngân hàng trước đây ở mức thấp. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Áp lực lạm phát cộng thêm tín dụng tăng cao và sức hút từ một số kênh đầu tư khác buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm cạnh tranh thu hút tiền gửi.

Lãi suất tiền gửi tăng sẽ hấp dẫn người gửi tiền hơn, qua đó dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, xu hướng tăng lãi suất huy động không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Đồng thời, áp lực lạm phát gia tăng và ngành ngân hàng có sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán trong việc thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, lãi suất huy động có khả năng chỉ tăng 0,3 - 0,5%/năm.

Chuyên gia kinh tế - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực dự báo, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và một bộ phận người dân muốn chuyển dịch kênh đầu tư.

... Đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao

Không chỉ tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, không ít ngân hàng còn nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài hạn để hút nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ nhu cầu tín dụng của nền kinh tế được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, tính đến cuối tháng 5/2022, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 4,88% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 2,41%. Tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng cao hơn so với các hình thức tiền gửi khác là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của người dân đối với kênh tiền gửi ngân hàng.

Theo ông Lệnh, do tiền gửi tiết kiệm dân cư có tính ổn định cao nên đây sẽ là nguồn vốn quan trọng đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, so với tín dụng thì mức tăng trưởng huy động vốn của các nhà băng trên địa bàn TP.HCM thấp hơn nhiều. Cụ thể, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố 5 tháng đầu năm 2022 tăng 8,4% so với cuối năm 2021 (mức tăng của cùng kỳ năm 2021 là 4,76%, năm 2020 là 1,75%, năm 2019 là 6,47%).

Với toàn ngành ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, từ đầu năm 2022 đến ngày 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, còn tính tới ngày 27/5 ước tăng 7,75%, gấp hơn 2 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn trong thời gian qua có mức tăng trưởng tín dụng cao như vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%, công nghiệp phụ trợ tăng 7,6%...

Dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu chững lại. Kinh tế có triển vọng phục hồi mạnh nên tăng trưởng tín dụng năm 2022 kỳ vọng đạt 14 - 15%.

Nhu cầu tín dụng tăng nên các nhà băng đẩy mạnh việc chuẩn bị thanh khoản. Lãi suất đầu vào tăng sẽ làm giảm biên lãi ròng (NIM), nhưng ngân hàng khó có thể tăng lãi suất đầu ra, nhất là khi chủ trương của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng hồi phục sản xuất - kinh doanh sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chủ trương của cơ quan quản lý ngành ngân hàng là các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm trong giai đoạn 2022 - 2023, đồng thời sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, trong đó có thể kể đến biến động kinh tế thế giới hậu đại dịch, giá dầu và hàng hóa tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát toàn cầu, các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 - 0,5%/năm và dự kiến tiếp tục có nhiều lần nâng lãi suất cho đến cuối năm 2022.

Lãi suất huy động trong nước đã tạo đáy và có xu hướng tăng trong thời gian qua. Với lãi suất cho vay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan