Fed không ngừng giảm lãi suất
Fed vừa tiếp tục hạ 0,25% lãi suất cơ bản. Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 năm, Fed hạ lãi suất của USD.
Việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá VND. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạn chế dần cho vay ngoại tệ và hướng chuyển sang mua - bán, thay vì vay - mượn ngoại tệ như trước.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, tỷ giá VND sẽ khó biến động trong những tháng cuối năm, cho dù đây là mùa kinh doanh cao điểm và nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp tăng để thanh toán hàng hóa nhập khẩu.
Theo ông Minh, các yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá chính là việc Fed liên tiếp cắt giảm lãi suất USD trong năm nay, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua. Trong khi đó, tình trạng “găm” ngoại tệ đã giảm hẳn khi NHNN áp dụng chính sách lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ ở mức 0%.
Cũng chính nhờ tỷ giá được kiểm soát ổn định, linh hoạt, nên đã phần nào tác động tích cực lên lãi suất VND trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh huy động khốc liệt.
Lãi suất tiền đồng giảm nhiệt
Tuy chưa giảm nhiều như kỳ vọng, song trước động thái của Fed, mặt bằng lãi suất VND có dấu hiệu giảm nhiệt. Kể từ ngày 31/10/2019, sau khi kết thúc chương trình "Bạn và tháng 10 yêu thương", Ngân hàng Bản Việt giảm lãi suất tiền gửi mới dành cho khách hàng cá nhân, tối đa chỉ còn 8,5%/năm, thay vì 8,9%/năm trước đó.
Biểu lãi suất huy động của BIDV cũng được điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn ngắn 1 - 2 tháng, từ 4,5%/năm trước đó xuống 4,3%/năm.
Tuy còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào, do các nhà băng phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày, tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, song các ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm.
Chẳng hạn, Vietbank dành 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ…, với lãi vay 7% tại Vietbank.
Trong khi đó, ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu năm gần nhất tối đa là 200 tỷ đồng, bổ sung vốn ngắn hạn cuối năm 2019, đầu năm 2020. Lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/năm.
Từ nay đến ngày 31/12/2019, ACB đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng. Ông Từ Thiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho hay, nguồn vốn này phục vụ việc bổ sung vốn lưu động với lãi suất vay từ 7,5%/năm.
Thêm vào đó, mới đây, NHNN giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ ba liên tiếp, xuống còn 2,25%. Đây cũng là điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất, kích cầu tín dụng.
Sau 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tăng trưởng cho vay cao, ở mức 20 - 28%. Cụ thể, Techcombank công bố dư nợ cho vay tăng 28,5%, đạt 205.317 tỷ đồng đến cuối tháng 9, cao nhất trong số ngân hàng. Cho vay khách hàng, theo báo cáo tài chính của VIB, tăng 28%, lên 123.223 tỷ đồng...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, phần lớn ngân hàng tăng trưởng cho vay cao đều có quy mô tài sản không quá lớn. Tác động của tăng trưởng cho vay mỗi nhà băng đối với hệ thống sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng tuyệt đối dư nợ. Trong đó, có những ngân hàng nhỏ tăng dư nợ đến 30 - 40%, nhưng cũng chỉ tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Ngược lại, với các ngân hàng lớn, như Agribank, chỉ cần tăng 10% là dư nợ toàn hệ thống đã tăng cả trăm ngàn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng lớn (Agribank, VietinBank) chỉ tăng trưởng cho vay khoảng 6%.
Tín dụng toàn ngành ngân hàng đến hết tháng 9/2019 tăng 9,4% so cuối năm 2018. Như vậy, dư địa còn lại để tăng dư nợ quý cuối năm vẫn rất lớn. Vì thế, theo nhận định của ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, lãi suất đầu ra khó tăng mạnh. Bởi nếu lãi suất tăng, các ngân hàng khó có thể thu hút được khách hàng vay vốn.
SSI Retail Research cho rằng, khả năng giảm lãi suất huy động từ nay đến cuối năm là khá thấp, nhưng sẽ có chiều hướng giảm dần vào đầu năm 2020, do tín dụng khó tăng trưởng cao.