Lãi suất thực dương có lỗi thời?

Lãi suất thực dương có lỗi thời?

(ĐTCK-online) Cùng với động thái hạ lãi suất cho vay của một số ngân hàng lớn, mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đang giảm nhẹ. Liệu đây có phải là tín hiệu đồng thuận của các ngân hàng để hướng đến mục tiêu đồng loạt giảm lãi suất cho vay? Để thực hiện được điều này trong bối cảnh mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu thì đâu là giải pháp có tính khả thi, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Để giảm lãi suất cho vay, giải pháp dễ nhìn thấy nhất là giảm lãi suất huy động vốn. Theo bà, trong tình hình hiện nay, liệu có thể thực hiện được điều này?

Tôi cho rằng, cần xem xét lại quan điểm lãi suất thực dương, bởi lâu nay, trong nhận thức của dư luận luôn có ý nghĩ đồng tiền bỏ ra phải bảo toàn giá trị, gửi ngân hàng phải có lãi, đồng nghĩa lãi suất tiền gửi tại ngân hàng phải cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tôi đã tìm hiểu xem các nước xử lý lãi suất thực dương như thế nào, trong điều kiện Việt Nam có nên thực hiện lãi suất thực dương không? Tại Trung Quốc, trong hơn 1 năm qua, lãi suất tiền gửi nhân dân tệ luôn thấp hơn chỉ số lạm phát. Đến tháng 2/2008, chỉ số CPI của Trung Quốc tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, tháng 4/2008 là 8,5% và tháng 6/2008 là 7,1%, nhưng lãi suất tiền gửi nhân dân tệ chỉ khoảng 5 - 6%/năm. Tín phiếu có kỳ hạn 3 năm và 5 năm do Bộ Tài chính nước này phát hành với lãi suất tương ứng là 5,74%/năm và 6,34%/năm. Ở Mỹ, lạm phát 3%, lãi suất Cục Dự trữ Liên bang đưa ra chỉ là 2%. Tôi cũng hỏi một số đại diện ngân hàng của những nước trên tại sao phải làm như vậy, họ cho biết, trong điều kiện lạm phát, kinh tế có biểu hiện suy thoái phải kích thích để kinh tế phát triển.

Với Việt Nam thì quá rõ, kinh tế đang trên đà phát triển bị kiềm chế bởi lãi suất quá cao. Tất nhiên, chúng ta phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, chính sách của Chính phủ từ đầu năm đến nay là rất đúng, nhưng nếu nhìn vấn đề an sinh xã hội không nặng vấn đề phát triển kinh tế thì có thể thấy, không thể duy trì quan điểm lãi suất thực dương. Làm thế nào để kinh tế duy trì tăng trưởng, tạo ra công ăn việc làm nếu lãi suất cao như vậy?

 

Nếu như hạ lãi suất huy động, liệu có ảnh hưởng không tốt tới huy động vốn và thanh khoản của các ngân hàng?

Tôi đã tham dự một số cuộc họp, ở đó doanh nghiệp kêu nhiều về mức lãi suất vay vốn 21%/năm và họ nói, không kinh doanh gì cho lại. Về quan điểm của Hiệp hội Ngân hàng, tôi cho rằng, cần nhìn nhận lại quyền lợi của các chủ thể trong nền kinh tế. Lãi suất cao, thực dương là bảo vệ quyền lợi người có tiền, người sản xuất cần vốn, cần tiếp cận vốn, họ vay tiền nhưng cũng cần có lợi chút ít, vì thế cần hài hòa các mối quan hệ. Quan niệm về lãi suất thực dương còn phải gắn với tăng trưởng chung của nền kinh tế, của lợi nhuận trong sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 6,5%/năm, lợi nhuận sản xuất - kinh doanh cũng khó có thể vượt mức bình quân trên 12%/năm, lãi suất tiền gửi do vậy không thể vượt quá xa con số trên.

Ở khía cạnh khác, trong những tháng gần đây, lãi suất huy động vốn tăng cao, nhưng nhiều thành viên của Hiệp hội cho biết, số dư vốn huy động tăng không nhiều, mà phần đông vốn chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, hay khách hàng đến đổi sổ tiết kiệm với lãi suất được điều chỉnh tăng cao. Rõ ràng, chính sách lãi suất như vậy là phi kinh tế. Trước kia, tốc độ gửi tiền mỗi tháng tăng 5 - 6%, trong nửa đầu năm nay chưa được 1,5%. Tất nhiên, hạ lãi suất có thực hiện được hay không còn tuỳ thuộc vào đồng thuận của các ngân hàng để không xảy ra tình trạng ngân hàng này giảm, ngân hàng kia vẫn giữ nguyên lãi suất huy động vốn. 

 

Có ý kiến cho rằng, để nền kinh tế dễ thở hơn, nên tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ hạn mức 30% hiện nay lên cao hơn, bà nghĩ sao?

Không nên cứng nhắc hạn mức 30%, mà cần hiểu đó là chỉ tiêu đo lường tín dụng với kế hoạch tăng bao nhiêu là vừa, trong quá trình thực hiện có thể linh hoạt, mềm dẻo. Chẳng hạn, tín dụng cho nhu cầu xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng thiết yếu cần phải đáp ứng. Điều kiện kinh tế như hiện nay, tăng trưởng thấp như vậy, doanh nghiệp kẹt về vốn thì cần thực hiện linh hoạt chỉ tiêu trên, nhưng không có nghĩa cho phép tín dụng bung ra.

 

Bà có cho rằng, để ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng lãi suất cho khoản tiền này?

Đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đừng bao giờ đề nghị ngân hàng trung ương nới lỏng tỷ lệ dự trữ, đồng nghĩa với tuyên bố rằng, chúng tôi nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu tình hình dễ thở hơn, có thể trả lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, trả cho ngân hàng một chút lãi để hỗ trợ phần nào khả năng tài chính. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ nên thực hiện khi có căn cứ lạm phát đang trong xu thế giảm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ số CPI chưa có dấu hiệu tăng chậm lại, điều hành không thể chủ quan trước những biến động bất thường của lạm phát.