Ông Trần Hoàng Ngân.

Ông Trần Hoàng Ngân.

Lãi suất thỏa thuận cần giảm thêm

(ĐTCK-online) PGS -TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với mức lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay, DN đã chấp nhận được, nhưng trong thời gian tới giảm xuống mức 12 - 13%/năm là hợp lý nhất. Còn lãi suất huy động vốn cao nhất khoảng10%/năm là đã thực dương. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Ngân xung quanh nội dung này.

Xin cho biết nhận định của ông về xu hướng lãi suất tiền gửi trong những tháng tới?

Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp, thì đó là cơ hội tốt để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Qua đó, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại và như vậy, các nhà băng có thể giảm được lãi suất đầu vào cũng như đầu ra.

 

CPI bình quân 4 tháng qua tăng 8,69% so với cùng kỳ năm trước, liệu cả năm có kiểm soát được như mục tiêu đã đề ra ở mức dưới 10%, thưa ông?

CPI của cả nước tháng 4 chỉ tăng rất nhẹ 0,14% so với tháng trước, mức tăng thấp nhất kể từ sau tháng 3/2009. Đây là dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, trên thế giới, tình hình khủng hoảng của một số nước châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, thị trường Mỹ vừa mới xuất hiện những thông tin xấu… đang làm cho dầu rớt giá. Nếu giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm, tác động tích cực đến giá xăng dầu ở thị trường nội địa, thì đây sẽ là điều kiện tốt để kéo giá cả xuống. Khi đó, việc kiềm chế lạm phát dưới mức 10% trong năm nay là có thể thực hiện được.

 

Vậy theo ông, lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay đã phù hợp với sức chịu đựng của DN hay sẽ phải điều chỉnh thêm trong thời gian tới?

Mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận bình quân 14%/năm hiện tại, tôi cho là phù hợp, nhưng trong thời gian tới trở về mức 12 - 13%/năm là hợp lý nhất. Còn lãi suất huy động vốn cao nhất chỉ khoảng 10%/năm là đã thực dương.

 

Dư nợ tín dụng trong 4 tháng đầu năm của toàn ngành chỉ tăng 5,58%, theo ông, mức tăng này có hợp lý so với bối cảnh thị trường và liệu có quá thấp so so với mục tiêu cả năm?

Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2009 ở mức khá cao, xấp xỉ 38%. Do đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng xấp xỉ 6% trong 4 tháng đầu năm 2010 là phù hợp. Mặt khác, do tình hình kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, nên nhu cầu vốn của DN chưa tăng. Đồng thời, áp lực lãi vay trong thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng chưa thể tăng cao. Nhưng tôi cho rằng, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở khoảng 25% là hợp lý.