Lãi suất thế chấp mua nhà sẽ tăng vọt nếu Mỹ vỡ nợ

Lãi suất thế chấp mua nhà sẽ tăng vọt nếu Mỹ vỡ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất thế chấp cao hơn là một rủi ro tiềm ẩn khác mà nền kinh tế phải đối mặt nếu Mỹ không trả được nợ.

Theo một báo cáo từ Công ty bất động sản Zillow, tỷ lệ vay thế chấp để mua bất động sản ở Mỹ có thể tăng vọt lên 8,4% nếu trần nợ công của nước này không được nâng lên, đẩy khoản thanh toán thế chấp cho một ngôi nhà thông thường lên mức cao hơn 22% và làm giảm doanh số bán bất động sản.

Ví dụ với khoản vay 500.000 USD áp lãi suất 8,4%/năm có nghĩa là khoản thanh toán hàng tháng người vay mua nhà phải trả sẽ lên hơn 3.500 USD, so với khoản thanh toán chỉ khoảng 2.625 USD với lãi suất 6,3%/năm của hiện tại.

Theo Jeff Tucker, nhà kinh tế cấp cao tại Zillow, việc Mỹ vỡ nợ có nguy cơ “khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng sâu”.

Trong giai đoạn Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, lãi suất thế chấp mua nhà ở Mỹ đã ở mức trên 6%/năm trong nhiều tháng. Điều đó đã làm dịu cơn sốt bất động sản tại nước này.

Ông Tucker cho biết, những người mua nhà lần đầu đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay và một đợt tăng lãi suất khác sẽ chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ công và Mỹ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6.

Ở khía cạnh khác, theo Knight Frank, giá trị các thương vụ mua lại bất động sản ở Bắc Mỹ của các nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục 13,9 tỷ USD trong quý I/2023.

Các nhà đầu tư từ Singapore là những tay mua chính, chiếm 82% nguồn vốn từ APAC ra nước ngoài và 89% tổng giao dịch trong khu vực trong 3 tháng đầu năm nay. Trong đó, Bắc Mỹ là điểm đến của 85% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ APAC trong quý I/2023.

Christine Li, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực APAC của Knight Frank cho biết: “Trong thời kỳ khủng hoảng, bất động sản tại Mỹ thường được coi là nơi trú ẩn an toàn do sự ổn định của đồng USD. Bất động sản bán lẻ và công nghiệp cũng ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, do cơ hội mua với giá thấp hơn trong môi trường lãi suất tăng và ít cạnh tranh”.

Tin bài liên quan