Tín dụng tăng nhanh một phần nhờ mặt bằng lãi vay giảm thấp

Tín dụng tăng nhanh một phần nhờ mặt bằng lãi vay giảm thấp

Lãi suất thấp và độ trễ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc lãi suất hạ thấp từ năm ngoái đã đủ thời gian ngấm, giúp lãi vay hạ và kích thích nhu cầu vay vốn cho sản xuất - kinh doanh. Thời gian cho "độ trễ chính sách" đã qua.

Lãi vay giảm sâu

Tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn đã giảm thấp hơn lãi suất huy động vốn.

Đơn cử, Agribank đang áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm cho khoản vay kỳ hạn 3 tháng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ở kỳ hạn 3-6 tháng, lãi suất niêm yết là 3,5%/năm và kỳ hạn 6-12 tháng là 4%/năm. Còn lãi suất cho vay mua nhà là 6%/năm trong 6 tháng đầu và 6,5%/năm trong 6 tháng tiếp theo.

Nhìn chung, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước được Agribank áp dụng ở mức 4%/năm; lãi suất cho vay thông thường áp dụng cho khoản vay ngắn hạn hiện là 5%/năm và trung - dài hạn là 6%/năm. Lãi suất cho vay thẻ tín dụng cao nhất là 13%/năm.

Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối khác cũng cạnh tranh cho vay với mức lãi vay thấp để thu hút khách hàng như BIDV triển khai gói vay ưu đãi ngắn hạn và trung - dài hạn với lãi suất từ 4,1%/năm để hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất - kinh doanh. Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay mua bất động sản ưu đãi là 6%/năm, còn VietinBank là 6,4%/năm…

Tại nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, nhiều nhà băng đang tích cực kích cầu tín dụng bằng các gói vay ưu đãi. Chẳng hạn, từ tháng 4/2024, TPBank triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng mới vay kinh doanh lần đầu tại Ngân hàng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm.

BVBank áp dụng mức lãi suất từ 5%/năm trong 5 tháng đầu kể từ ngày giải ngân; 5,5%/năm cho 6 tháng; 6,5%/năm cho 9 tháng; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9%/năm cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân.

Techcombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong thời gian ưu đãi 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong thời gian ưu đãi 6 tháng hoặc 6,8%/năm cho thời gian 12 tháng.

Năm 2024, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay, thay vì bị hạn chế room như các năm trước.

Tương tự, Shinhan Việt Nam cho vay mua nhà 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm).

VPBank cho vay 5,9%/năm cho 6 tháng đầu, còn HDBank, MSB, ACB, OCB là từ 6,5-10,5%/năm. Nói chung, các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng từ 5-10,5%/năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Khu vực TP.HCM, Shinhan Việt Nam, từ mức 9-10%/năm trong giai đoạn quý II-III/2023, đến nay, mặt bằng lãi vay đã giảm mạnh, chỉ còn quanh 5%/năm. Đây là mức lãi suất rất ưu đãi đối với nhu cầu vay mua nhà của khách hàng khi vừa hỗ trợ khoảng thời gian đầu khó khăn trong việc thu xếp vốn tự có, vừa ổn định phương án tài chính lâu dài.

Một lãnh đạo ngành ngân hàng cho rằng, việc lãi suất cho vay giảm dần và duy trì ở mức thấp, cùng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở lại đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất - kinh doanh…, từ đó tác động tích cực đến sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhu cầu giao dịch tăng nhanh những tháng gần đây và tác động lan tỏa đến tín dụng tiêu dùng.

Dòng vốn tín dụng chảy mạnh hơn

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế cùng cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp không chỉ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mà còn là động lực quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Đây là yếu tố quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn và tạo sự tuần hoàn, luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng tiếp tục được duy trì trong tháng 4/2024 và các tháng tiếp theo sẽ là nền tảng để một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng được bắt đầu.

“Đó sẽ là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức. Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục chủ động tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, bởi lúc này, chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng là tháo gỡ khó khăn cho chính mình”, một lãnh đạo ngân hàng nói.

Lãnh đạo các ngân hàng kỳ vọng, mặt bằng lãi suất cho vay thấp cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản nhà ở sẽ là điều kiện tích cực để kích cầu vốn mua nhà, như chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng -Tổng giám đốc OCB, không chỉ tín dụng nhà ở mà với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, cả với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động cho vay kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, nhất là 2 quý cuối của năm nay. Vì thông thường, cầu vốn của khách hàng sẽ tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng những tháng đầu năm 2024 tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ, khi phần lớn khoảng thời gian này trùng vào dịp lễ tết và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, song đã phục hồi trong tháng 3/2024. Tính đến ngày 25/3/2024, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Như vậy, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024. Trước đó, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).

Tại một số ngân hàng, tín dụng cũng tăng trưởng trong quý I/2024, cho dù dư nợ tăng trưởng âm trong tháng đầu năm. Chẳng hạn, tại VIB, OCB và SeABank, tín dụng quý I/2024 lần lượt tăng ở mức 1%; 4,6% và 0,8%. Lãnh đạo Techcombank cũng cho hay, tín dụng quý đầu năm tăng khoảng 3%, trong khi tháng 1 tăng chậm.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay, thay vì bị hạn chế room như các năm trước, nên đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

PGS-TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá, các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua đem lại thành quả ấn tượng, song chưa biết mức lãi suất thấp hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu bởi phụ thuộc vào nhiều biến số. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, vì không thể mãi yêu cầu ngân hàng đẩy vốn ra, tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Chưa kể, việc tăng tín dụng bằng mọi giá cũng là yếu tố cần cân nhắc, bởi dòng vốn tín dụng cần phải hướng đến đúng đối tượng, đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn.

“Do đó, điều quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay, bởi nếu đẩy vốn ra quá nhanh với lãi suất thấp thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng sau này, từ đó khó kiểm soát dư nợ xấu”, ông Khánh nói, đồng thời cho biết, mỗi đối tượng khách hàng thì ngân hàng đưa ra mức lãi suất tương ứng, trong doanh nghiệp than không tiếp cận được vốn vay như mức lãi suất mà ngân hàng công bố. Vì thế, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp được đưa ra đó là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường, khách hàng vay vốn và các ngân hàng đã tuân thủ. Dù vậy, nên chăng theo định kỳ công bố lãi suất cho vay bình quân, các ngân hàng cũng công bố luôn tỷ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý.

“Ngược lại, về phía doanh nghiệp, khi đã chấp nhận luật chơi của thị trường thì không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn, nên trong mọi trường hợp, đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải đảm bảo được chất lượng, an toàn hệ thống”, ông Khánh nói.

Các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM

Đến cuối tháng 3/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước đó và tăng 0,96% so với cuối năm 2023, đồng thời tăng 9,45% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phù hợp với tăng trưởng kinh tế Thành phố quý I/2024.

Mặc dù so với cùng kỳ 3 năm gần đây, tín dụng quý I/2024 tăng thấp hơn, song việc tăng trưởng trở lại trong tháng 3/2024 có ý nghĩa quan trọng và phản ánh kết quả tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như yêu cầu về hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tiên, tín dụng tăng 1,9% trong tháng 3/2024 là mức tăng trưởng cao (tháng 3/2023 tín dụng tăng 1,4%; tháng 3/2022 tăng 3,5% và tháng 3/2021 tăng 1,8%), không chỉ phản ánh sự phù hợp và yếu tố tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế, từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ và du lịch…, mà còn phản ánh xu hướng tăng trở lại của tín dụng trên địa bàn Thành phố trong quý I/2024.

Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân đã giải ngân từ gói 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (của các công ty tài chính tiêu dùng) trên địa bàn Thành phố đạt gần 259 tỷ đồng cho 10.554 khách hàng. Tăng trưởng tín dụng cải thiện cũng cho thấy chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng.

Mong được tháo gỡ khó khăn trong cho vay nhà ở xã hội

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank

Dư nợ tín dụng của HDBank tăng nhẹ khoảng 0,2% trong tháng 1 và tăng khoảng 2% trong tháng 2, đến cuối quý I/2024 ước tăng khoảng 6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 9%. Việc dư nợ tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm là chuyện bình thường vì nhu cầu vốn của khách hàng trong thời gian này chưa cao.

Hiện nay, lãi suất không còn là rào cản đối với người đi vay, mà quan trọng hơn là sức cầu của thị trường. HDBank đã và đang từng bước giảm lãi suất cho vay, kể cả với cho vay nhỏ lẻ. Công ty tài chính trực thuộc của HDBank đang đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tiêu dùng 10.000 tỷ đồng và trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua đã giải ngân được 6.800 tỷ đồng.

Với lĩnh vực nhà ở xã hội, năm nay, HDBank kỳ vọng giải ngân được khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng. Vì thế, chúng tôi mong muốn được tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân đối với phân khúc nhà ở này.

Lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, UOB Việt Nam

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, UOB Việt Nam

Các báo cáo gần đây của UOB cho thấy, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đặc biệt chỉ số việc làm mới và tăng lương đi kèm mức lạm phát dai dẳng tiếp tục đặt ra câu hỏi về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.

Thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2-3 lần trong năm 2024, nhưng rõ ràng là lãi suất USD sẽ tiếp tục ở mức cao kéo dài hơn, đủ để đưa mức lạm phát trở lại quỹ đạo dưới 2% hàng năm. Lãi suất trái phiếu chính Phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang ở mức rất cao quanh 4,5%/năm cho thấy, các nhà đầu tư vẫn nhận định lãi suất USD sẽ không giảm quá nhanh trong ngắn và trung hạn.

Với lãi suất tiền đồng, chúng tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm, thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới.

Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, nhưng các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới... vẫn cần thêm thời gian để củng cố xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cũng cho thấy, tín dụng thường có xu hướng tăng chậm trong quý I và chỉ bắt đầu tăng nhanh từ quý II hàng năm.

Mặt bằng lãi vay còn duy trì ở mức thấp tới cuối năm nay

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ, Shinhan Việt Nam

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng Khối Cho vay bán lẻ, Shinhan Việt Nam

Nhu cầu vay vốn mua nhà của khách hàng cá nhân đã có sự cải thiện từ tháng 3/2024 khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm thấp, tạo động lực tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại đều đẩy mạnh giảm lãi vay, bao gồm cả việc cắt giảm biên độ lợi nhuận, để hoàn thành sớm chỉ tiêu tăng trưởng được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, quý II/2024 có thể có sự thay đổi đáng kể tác động đến nhu cầu vốn vay mua nhà trên thị trường.

Hơn nữa, trong giai đoạn tới, thị trường sẽ ghi nhận một số yếu tố mới tác động thuận lợi đối với nhu cầu đầu tư bất động sản như: Sự tăng giảm bất thường của giá vàng, tỷ giá USD vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD, thời điểm đáo hạn của các sổ tiền gửi lãi suất cao năm 2023… Tôi cho rằng, các yếu tố này có thể khiến thị trường bất động sản sôi động hơn và cầu vốn mua nhà của khách hàng tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Theo những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số ngân hàng do thanh khoản hệ thống bắt đầu có dấu hiệu cạn. Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh. Các ngân hàng cũng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức cao nhất nhằm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm. Chính vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn sẽ được duy trì ở mức thấp, cho tới khi các chỉ tiêu tăng trưởng đạt được kết quả như mong đợi.

Tin bài liên quan