Tín dụng thường có xu hướng tăng chậm trong quý I

Tín dụng thường có xu hướng tăng chậm trong quý I

Lãi suất thấp nhưng tín dụng yếu vì 2 bên đều thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng từ đầu năm 2024 đến nay tăng trưởng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó không ít doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay dù lãi suất thấp, còn ngân hàng thì thận trọng giải ngân vì lo ngại nợ xấu phát sinh.

Lãi suất thấp nhất 2 thập kỷ

Kể từ đầu tháng 3/2024, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có chiều hướng giảm, từ mức 1,4%/năm xuống 0,8%/năm, khi nhu cầu sử dụng tiền không còn căng thẳng sau dịp Tết Âm lịch.

Từ ngày 11/3 đến 28/3/2024, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại sử dụng kênh tín phiếu, hút ròng khoảng 169.000 tỷ đồng trên thị trường ngân hàng, kỳ hạn đều là 28 ngày và lãi suất từ 1,3 - 2,5%/năm. Động thái này của Ngân hàng Trung ương diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh, thanh khoản thị trường dư thừa vì nhu cầu tín dụng yếu.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2024, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng bật tăng trở lại, thậm chí có lúc lên đến gần 4,5%/năm, gần chạm mức trần 5%/năm theo quy định và là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2023. Điều này cho thấy, thanh khoản thị trường có dấu hiệu thu hẹp trong 1 tuần trở lại đây.

Trên thị trường 1, lãi suất tiết kiệm trong tháng 3/2024 của nhiều ngân hàng tiếp tục giảm. Trong đó, ngày 19/3, BIDV điều chỉnh lãi suất tại các kỳ hạn, đặc biệt kỳ hạn 12 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm. Hiện tại, nhóm ngân hàng quốc doanh đều áp dụng lãi suất huy động 4,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Ở chiều ngược lại, có 5 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, nhưng mức tăng dưới 0,2%/năm và chỉ áp dụng đối với một vài kỳ hạn.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét: “Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế”.

Xung quanh câu chuyện lãi suất, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân các giao dịch mới phát sinh của hệ thống khoảng 3%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/ năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

“Đây là tính chung cho toàn hệ thống, cho tất cả các khoản vay ngắn, trung và dài hạn. Lãi suất cho vay là do ngân hàng thương mại thỏa thuận với người vay, trừ một số lãi suất mà Chính phủ quy định hỗ trợ cho đối tượng ưu tiên”, ông Tú nói.

Trước những ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay còn cao khiến tăng trưởng tín dụng thấp, ông Tú cho biết, lãi suất hiện thấp hơn 20 năm qua. Thực tế, một số khoản vay cũ có lãi suất cao, nhưng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của ngân hàng có lãi suất thấp. Quan điểm của cơ quan quản lý là điều hành lãi suất linh hoạt, chứ không đặt ra vấn đề tăng hay giảm lãi suất điều hành.

Tính đến ngày 10/4/2024, tổng tăng trưởng tín dụng đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%. Trong năm 2023, tín dụng ngân hàng tăng 13,5%, tuy không đạt mục tiêu là 14 - 15%, nhưng được thúc đẩy bởi cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Trong khi đó, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm.

Ông Đinh Đức Quang nhận định: “Nhu cầu tín dụng thấp do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp giảm trong năm 2023”.

Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53.400, tăng 24,5%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là hơn 15.500, tăng 21,7%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 5.100, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 1 tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân 1 tháng trong quý I giai đoạn 2019 - 2023 lần lượt là 11.400, 11.600, 13.400 17.100, 20.100. Nếu so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thì trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp giảm 14.100, bình quân 1 tháng giảm 4.700.

Không đẩy tín dụng ồ ạt

Không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để tránh nguy cơ nền kinh tế gánh thêm nợ xấu, trở thành “cục máu đông” như cách đây hơn 10 năm mà đến nay vẫn chưa xử lý hết.

Ông Đinh Đức Quang đánh giá, hoạt động kinh tế có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ. Tuy nhiên, đơn hàng mới cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng, từ đó mang lại sự tự tin cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư, sản xuất.

“Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cho thấy, tín dụng trong nước thường có xu hướng tăng chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm. Tôi cho rằng, lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024”, ông Quang nói.

Ông Đinh Công Luyến, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán MB dự báo, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện. Lãi suất huy động có thể tăng 0,3 - 0,5%/năm và tiến dần về mức lãi suất ở thời điểm đầu năm nay.

Tính đến ngày 10/4/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt trên 1%, tuy thấp nhưng so với mức tăng trưởng âm 0,72% tính đến cuối tháng 2 thì nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi, đây sẽ là yếu tố tác động đến các kế hoạch kinh doanh vốn và ngoại hối tại các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn.

Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế theo số liệu 3 tháng đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, giúp ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cả năm từ 14 - 15%.

Chẳng hạn, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 93 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; thặng dư thương mại đạt 8 tỷ USD; thị trường bất động sản “ấm” dần khi nhu cầu gia tăng, trong khi nguồn cung 2 năm gần đây bị hạn chế vì gần như không có dự án mới được phê duyệt, sẽ thúc đẩy tín dụng tại các sản phẩm bất động sản thứ cấp.

“Bên cạnh đó, việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại sẽ tác động tích cực đến kế hoạch mở rộng kinh doanh và gia tăng trữ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp, giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong 6 tháng tới”, ông Luyến nhận định.

Tuy nhiên, trong diễn biến có liên quan, ông Tú nhấn mạnh: “Không đẩy tín dụng ra ồ ạt vì nợ xấu đang tăng nhanh”.

Ông Tú cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, tăng 2,03% so với cuối năm 2022. Nợ xấu vẫn đang là vấn đề đáng quan ngại nên không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để tránh nguy cơ nền kinh tế gánh thêm nợ xấu, trở thành “cục máu đông” như cách đây hơn 10 năm mà đến nay vẫn chưa xử lý hết.

“Doanh nghiệp đổ vỡ thì cũng chỉ doanh nghiệp đó bị phá sản, còn ngân hàng đổ vỡ thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Nợ xấu ảnh hưởng đến an toàn an ninh của nền tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an toàn lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. Câu chuyện tín dụng cần phải đẩy mạnh, cần phải tăng nhanh, nhưng không phải chấp nhận hạ chuẩn tín dụng để đưa tín dụng ra một cách ồ ạt”, ông Tú nói.

Tin bài liên quan