Lãi suất tăng thúc đẩy biên lợi nhuận cho các ngân hàng châu Á, nhưng rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2023

Lãi suất tăng thúc đẩy biên lợi nhuận cho các ngân hàng châu Á, nhưng rủi ro sẽ tăng lên trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trên khắp châu Á đang hưởng lợi từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu để chống lại lạm phát, nhưng vẫn có hai quốc gia không được hưởng lợi như vậy.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm nay đã tạo ra tâm lý đối với nhiều ngân hàng trung ương châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, mặc dù một sự thay đổi chính sách gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) dường như đang báo hiệu việc thắt chặt cũng sắp diễn ra.

Kết quả là, những ngân hàng ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản không được hưởng biên lợi nhuận cho vay cao hơn như ở những nơi khác.

Trung Quốc và Nhật Bản

Attila Kincses, đối tác liên kết tại công ty tư vấn McKinsey and Co. cho biết: “Có sự khác biệt đáng kể ở cấp quốc gia và cấp ngân hàng trong hoạt động trong khu vực. Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế. Nhật Bản có thể vẫn tăng trưởng chậm lại, vì lãi suất có thể duy trì ở mức thấp hơn trong thời gian dài hơn và hạn chế khả năng sinh lời của ngân hàng”.

Điều đó cũng khiến ngân hàng ở hai quốc gia này mâu thuẫn với các xu hướng toàn cầu. Theo Báo cáo Đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của McKinsey được công bố trong tháng này, biên lợi nhuận của các ngân hàng trên toàn cầu trong năm nay đã đạt mức cao nhất trong 14 năm qua. Doanh thu đạt 6.500 tỷ USD khi lãi suất cao hơn thúc đẩy biên lợi nhuận ròng (NIM) tăng mạnh. NIM được sử dụng như một thước đo khả năng sinh lời của ngân hàng.

Một kịch bản có thể xảy ra mà McKinsey đặt ra trong ngắn hạn là tốc độ tăng trưởng của lạm phát, trong đó chi phí sẽ vẫn cao hơn trong năm tới nhưng được các ngân hàng trung ương kiểm soát bằng cách giữ lãi suất tăng cao. Đó sẽ là tin tốt cho ngân hàng vì lãi suất tăng sẽ nâng cao khả năng sinh lời trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng.

Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á đang theo sát sự dẫn dắt của Fed, thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong những tháng gần đây, phản ánh mối lo ngại đối với nền kinh tế đang giảm tốc và lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn.

Lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng vỡ nợ trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản, khiến nhiều dự án phát triển bất động sản dân cư chưa hoàn thành. Điều đó đã gây ra một làn sóng trì hoãn các khoản thanh toán thế chấp trên toàn quốc và gây ra sự sụp đổ niềm tin vào lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.

Lãi suất cơ bản cho vay 5 năm (tiêu chuẩn để thiết lập lãi suất cho vay thế chấp) của Trung Quốc đang ở mức 4,3%, giảm 35 điểm cơ bản so với đầu năm. Việc cắt giảm lãi suất làm giảm bớt gánh nặng nợ cho các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà, giảm rủi ro do các khoản nợ xấu gây ra cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm NIM của các ngân hàng. Theo dữ liệu từ cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, NIM của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm là 1,94%, giảm 13 điểm cơ bản so với một năm trước.

Mặt khác, các ngân hàng ở Nhật Bản gặp khó khăn vì một lý do khác. Việc Fed tăng lãi suất đã khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, dẫn đến khoản lỗ chưa thực hiện đối với việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của các ngân hàng Nhật Bản, những ngân hàng này trong nhiều năm đã tăng các khoản vay và đầu tư trái phiếu ở nước ngoài để bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận thấp ở thị trường nội địa.

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 9, khoản lỗ chưa thực hiện đối với trái phiếu nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi lên gần 4.000 tỷ yên (29 tỷ USD) tại các ngân hàng MUFG, SMFG và Mizuho.

Giống như PBOC, BPJ đã giữ lãi suất ở mức thấp để tránh làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế non trẻ của đất nước, mặc dù trong một động thái bất ngờ mới đây, BOJ đã nâng trần lãi suất chính phủ kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5% trong một chính sách điều chỉnh được thị trường tài chính giải thích rộng rãi là tăng lãi suất trên thực tế.

Khu vực ASEAN

Lĩnh vực tài chính ở các nền kinh tế của ASEAN như Singapore đang được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất.

Các ngân hàng lớn nhất ASEAN tính theo tài sản là DBS Group Holdings, Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank đều lấy tín hiệu từ Fed trong việc thiết lập lãi suất cho các khoản cho vay.

Chuỗi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ đã làm tăng NIM cho các ngân hàng này. DBS đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 35% trong quý III so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ở những thị trường khác trong ASEAN, lãi suất tăng cũng đi kèm với rủi ro tiềm ẩn.

Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu tài chính CreditSights vào tháng 10, Thái Lan có mức nợ hộ gia đình cao nhất trong khu vực so với GDP, đồng thời các khoản thế chấp thả nổi chiếm phần lớn các khoản vay mua nhà do các ngân hàng Thái Lan phát hành.

Các khoản thế chấp thả nổi có lãi suất dao động dựa trên môi trường lãi suất xung quanh. Lãi suất cao hơn dẫn đến các khoản thanh toán hàng tháng cao hơn cho người đi vay, điều này làm tăng khả năng một tỷ lệ lớn hơn các khoản nợ trở nên tồi tệ đối với người cho vay.

“Thái Lan dường như là một thách thức đặc biệt, với nợ hộ gia đình cao và triển vọng kinh tế đầy thách thức. Các ngân hàng nhận thức được tác động của việc tăng lãi suất đối với khách hàng và đang tích cực tìm cách xác định những người đi vay có dấu hiệu cảnh báo sớm về khó khăn tài chính”, báo cáo của CreditSights cho biết.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính ở Hàn Quốc và Ấn Độ đang có câu chuyện tương tự như các ngân hàng Singapore với NIM cao hơn do lãi suất cao hơn.

Tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc KB Financial Group cho biết, lợi nhuận ròng đã tăng 19% so với cùng kỳ lên 8,3 nghìn tỷ won (6,4 tỷ USD) trong ba quý đầu năm.

Theo công ty nghiên cứu CareEdge, tại Ấn Độ, NIM của các ngân hàng thương mại hoặc các ngân hàng do ngân hàng trung ương quản lý đã tăng 22 điểm cơ bản lên 3,1% trong quý III, là mức cao nhất trong một năm.

Nhưng trong khi các ngân hàng trên khắp châu Á bước vào năm 2023 với một nền tảng vững chắc hơn, các nhà phân tích cho rằng chi phí tài chính cao hơn hiện đang hỗ trợ họ nhưng cũng có thể dẫn đến rắc rối trong tương lai.

Trong một báo cáo tháng 12, CreditSights cảnh báo rằng lãi suất cao hơn và hoạt động kinh doanh chậm lại sẽ dần dần làm suy yếu khả năng trả nợ của người đi vay. Nói tóm lại, các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận, nhưng khách hàng của họ có thể bị thiệt hại.

Báo cáo cho biết: “Lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, ít nhất là đến năm 2024, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, cũng cần phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn. Các công ty có chất lượng tài chính thấp hơn hoặc có đòn bẩy quá cao có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn trên thị trường trái phiếu hoặc thị trường cho vay và dẫn đến vỡ nợ”.

Tin bài liên quan