Lãi suất tăng hút tiền tiết kiệm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tổng cục thống kê, tính đến ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023. 
Lãi suất tăng hút tiền tiết kiệm

Trước đó, số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).

Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 3, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng. Trước đó, theo NHNN, tính đến hết tháng 2/2024, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.

Hiện lãi suất huy động hầu hết ngân hàng đang tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó. Tính đến cuối tháng 6/2024, mức cao nhất đã lên trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài, tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ.

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong tháng 1 đầu năm nay do lãi suất tiền gửi liên tục dò “đáy” sâu trong thời gian qua khiến nguồn tiền nhàn rỗi không mấy mặn mà “chảy” vào ngân hàng, chuyển hướng sang vàng, bất động sản.

Song nguồn tiền nhàn rỗi của người dân chảy trở lại vào nhà băng từ tháng 2-3/2024 khi lãi suất dần tăng trở lại. Đáng chú ý là trước bối cảnh các kênh đầu tư khác khó như bất động sản, chứng khoán và vàng sinh lời cao hoặc rủi ro lớn, nguồn tiền nhàn rỗi tiếp tục chọn ngân hàng trú ẩn.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng của nền kinh tế đạt 4,45%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng có cải thiện hơn trong những tháng gần đây, tuy nhiên mức tăng trong 6 tháng vẫn thấp hơn mục tiêu mà NHNN đặt ra là 5-6% vào cuối quý II/2025.

Như vậy, ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã bơm ra thị trường hơn 600 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối quý 2/2024 đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng.

Trước đó, NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 03 năm trước.

Đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Vì thế, ngân hàng cũng tăng dần lãi suất huy động tiết kiệm để tăng cường hút tiền gửi chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng cầu vốn của khách hàng gia tăng trong các quý cuối năm.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, xu hướng nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất bao gồm: lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng biến động và nhiều thời điểm tăng mạnh...

Thế nhưng, theo nhận định của ông Hiển, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay; tăng lãi suất cao để huy động vốn do nguồn thu nợ gặp khó thì lãi tiết kiệm có tăng cũng không quá 1% so với năm 2023.

Tin bài liên quan