Chị Nguyễn Thị Hồng Anh (TP. HCM) vừa nhận được khoản tiền 1,2 tỷ đồng từ người thân ở nước ngoài chuyển về để tất toán tiền vay mua căn hộ. Không để chậm trễ ngày nào, chị đã nhanh chóng đến ngân hàng để tất toán trước hạn, nhằm giảm gánh nặng trả lãi cũng như nợ gốc.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Hoa (quận Thủ Đức, TP. HCM) cho hay, cuối năm con cái ở nước ngoài chuyển kiều hối về làm quà cho bố mẹ dịp Tết Mậu Tuất được hơn 10.000 USD, nhưng vì ông bà không mua sắm nhiều nên đã quyết định chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm, hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Không chỉ những người có nhu cầu trả nợ vay, gửi tiết kiệm tăng cao khi lãi suất được nhà băng điều chỉnh nhích lên, mà ngay cả một số nhà đầu tư chứng khoán, vừa chốt lời trong đợt thị trường thăng hoa cuối năm 2017 cũng đang tạm dừng nghỉ Tết, chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng chờ tìm cơ hội mới.
Lãnh đạo các nhà băng cho biết, trước Tết Dương lịch và Nguyên đán, do nhu cầu trả lương thưởng cuối năm của doanh nghiệp gia tăng nên lượng vốn rút ra không ít, song nguồn tiền nhàn rỗi sau đó sẽ quay lại ngân hàng cũng khá nhiều. Đáng chú ý là nguồn tiền thanh toán cuối năm các doanh nghiệp nhận và trả cho khách hàng, đối tác, người lao động cũng sẽ quay lại và nằm ở các nhà băng.
Để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong những ngày cận tết Nguyên Đán và đầu năm 2018, các nhà băng đã không ngừng gia tăng khuyến mãi, tăng lãi suất tiền gửi. Trong đó, một số ngân hàng đã sớm tăng lãi suất có thể kể đến như Eximbank nâng lãi suất thêm 0,1 - 0,2%/năm, với tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 5%/năm và 6 tháng là 5,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng của Sacombank tăng thêm 0,2%/năm, lên lần lượt 4,9%/năm và 5,1%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tăng từ 5,9%/năm lên 6%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều nhà băng đưa ra các chương trình gửi tiền được quà, tặng thêm lãi suất, có cơ hội trúng thưởng lớn.
Đánh giá về xu hướng lãi suất tiết kiệm trong thời gian tới, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động tiền gửi khó tăng cao, song cũng không thể giảm, nhất là khi dòng vốn có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia tài chính, TS. Đinh Thế Hiển cho biết thêm, mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, tỷ giá có tác động đến lãi suất, muốn lãi suất giảm thì tỷ giá phải ổn định.
Thứ hai là áp lực về câu chuyện lạm phát, chính sách tài khóa, thanh khoản, nợ xấu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và nợ công… Đây đều là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lãi suất. Theo đó, ông nhận định lãi suất khó giảm, thậm chí ngân hàng sẽ tăng thêm để hút được dòng tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, đối với những người vay tiền, việc lãi suất huy động được tăng lên lại gây nên lo ngại. Rõ ràng, có nhiều lý do để các ngân hàng cân đối lại lãi suất cho dòng vốn huy động. Đối với người gửi tiền, mọi điều chỉnh hiện tại của ngân hàng đều đang có lợi. Tuy nhiên, với những người vay tiền, nỗi lo lắng đã xuất hiện bởi đầu vào tác động trực tiếp đến đầu ra.
Chưa kể, mặc dù thanh khoản được các ngân hàng cho là dồi dào và đang từng bước chuẩn bị nguồn để đáp ứng cầu vốn tăng cao trong năm 2018, nhưng bên cạnh đó cũng không loại trừ áp lực huy động trước sức ép tỷ giá, bất động sản ấm dần và thương hiệu của một số nhà băng bị ảnh hưởng do nợ xấu.