Lãi suất tăng đẩy số tiền trả lãi ở 58 quốc gia hàng đầu đã lên mức 13.000 tỷ USD

Lãi suất tăng đẩy số tiền trả lãi ở 58 quốc gia hàng đầu đã lên mức 13.000 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một thập niên 2010 yên bình với lãi suất hầu như không tăng, lạm phát đang trở thành vấn đề khiến các quan chức ngân hàng trung ương phải đau đầu. Quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Trong quý đầu tiên của năm 2021, lãi suất chính sách trong một mẫu gồm 58 nền kinh tế giàu có và mới nổi ở mức trung bình là 2,6%/năm. Đến quý cuối năm 2022, con số này đã lên tới 7,1%/năm. Trong khi đó, tổng nợ ở các quốc gia này đạt mức kỷ lục 300.000 tỷ USD, tương đương 345% tổng GDP, tăng từ 255.000 tỷ USD, tương đương 320% GDP trong cùng thời kỳ.

Nợ càng nhiều thì sẽ càng nhạy cảm với việc tăng lãi suất. Để đánh giá tác động kết hợp của vay nợ và lãi suất cao hơn, The Economist đã ước tính chi phí lãi vay của các công ty, hộ gia đình và chính phủ trên 58 quốc gia. Tổng cộng các nền kinh tế này chiếm hơn 90% GDP toàn cầu. Vào năm 2021, chi phí tiền lãi ở mức 10.400 tỷ USD, tương đương 12% GDP. Đến năm 2022, con số đó đã đạt 13.000 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP.

Tính toán của The Economist cũng đưa ra các giả định nhất định. Trong nền kinh tế thực, lãi suất cao hơn không đẩy chi phí trả nợ lên ngay lập tức, ngoại trừ những khoản nợ có lãi suất thả nổi như nhiều khoản vay ngân hàng qua đêm. Kỳ hạn của trái phiếu chính phủ có xu hướng dao động từ 5 - 10 năm; các doanh nghiệp và hộ gia đình có xu hướng vay trên kỳ hạn ngắn hơn. The Economist giả định rằng, việc tăng lãi suất sẽ tác động tới nợ công với kỳ hạn 5 năm và trong kỳ hạn 2 năm đối với các hộ gia đình và công ty.

Để dự đoán những gì có thể xảy ra trong vài năm tới, The Economist đưa ra thêm một số giả định: Những người đi vay thực tế phản ứng với mức lãi suất cao hơn bằng cách giảm nợ để đảm bảo rằng các khoản thanh toán lãi không vượt quá tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy rằng, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng các khoản thanh toán lãi so với thu nhập, nghĩa là việc giảm nợ không hoàn toàn bù đắp cho chi phí cao hơn. Do đó, The Economist giả định rằng, thu nhập danh nghĩa tăng theo dự báo của IMF và tỷ lệ nợ trên GDP không thay đổi. Điều này có nghĩa là thâm hụt ngân sách hàng năm là 5% GDP, thấp hơn so với mức tiền Covid.

Phân tích của The Economist cho thấy rằng, nếu lãi suất đi theo con đường được định giá vào thị trường trái phiếu chính phủ, thì chi phí tiền lãi vay sẽ đạt khoảng 17% GDP vào năm 2027. Và điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường đang đánh giá thấp mức độ thắt chặt của các ngân hàng trung ương? The Economist cho rằng, có khả năng chi phí tiền lãi vay sẽ lên tới 20% GDP.

Dự báo chi phí lãi vay/GDP có thể đạt 17% vào năm 2027

Dự báo chi phí lãi vay/GDP có thể đạt 17% vào năm 2027

Đây là con số rất lớn, nhưng không phải là không có tiền lệ. Chi phí lãi vay ở Mỹ đã vượt quá 20% GDP trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, sự bùng nổ kinh tế vào cuối những năm 1990 và đợt bùng nổ lạm phát cuối cùng vào những năm 1980. Tuy nhiên, chi phí lãi vay ở quy mô này sẽ che giấu sự khác biệt lớn giữa các ngành và quốc gia. Ví dụ, chính phủ Ghana sẽ phải đối mặt với tỷ lệ nợ trên doanh thu trên 6 và lợi suất trái phiếu chính phủ là 75% - điều này gần như chắc chắn sẽ khiến chi tiêu nhà nước bị cắt giảm đáng kể.

Mặt khác, lạm phát có thể giảm nhẹ gánh nặng bằng cách tăng doanh thu từ thuế danh nghĩa, thu nhập hộ gia đình và lợi nhuận doanh nghiệp. Và nợ toàn cầu tính theo tỷ lệ GDP đã giảm từ mức cao nhất là 355% vào năm 2021. Nhưng sự cứu trợ này cho đến nay đã được bù đắp nhiều hơn bởi sự gia tăng lãi suất.

New Zealand và Thụy Điển sẽ nhạy cảm với lãi suất do hợp đồng vay thả nổi lãi suất

Vậy ai là người gánh những chi phí này? The Economist đã xếp hạng các hộ gia đình, công ty và chính phủ trên 58 quốc gia theo hai biến số: tỷ lệ nợ trên thu nhập (Debt to income ratio) và mức tăng của lãi suất trong ba năm qua. Khi nói đến các hộ gia đình, các nền dân chủ giàu có bao gồm New Zealand và Thụy Điển có vẻ nhạy cảm hơn với việc tăng lãi suất. Cả hai đều có mức nợ gần gấp đôi thu nhập khả dụng và đã chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn tăng hơn 3% kể từ cuối năm 2019.

Ở Thụy Điển, các khoản thế chấp có lãi suất thả nổi chiếm gần 2/3 số tiền dự trữ, điều đó có nghĩa là các vấn đề có thể phát sinh nhanh hơn. Ở các nền kinh tế mới nổi, dữ liệu lại mang tính chắp vá hơn. Mặc dù tỷ lệ nợ trên thu nhập thấp hơn, nhưng điều này phần nào phản ánh thực tế là tín dụng chính thống khó có thể tiếp cận, và các hộ gia đình phải tiếp cận nguồn tín dụng đen với lãi suất thả nổi cao hơn tín dụng chính thống.

Các hộ gia đình tại quốc gia có lãi suất khoản vay cố định ít chịu ảnh hưởng biến động lãi suất

Ngược lại, ở các quốc gia khác, các hộ gia đình có xu hướng vay các khoản có lãi suất cố định ngắn hạn hơn hoặc vay với các điều khoản linh hoạt.

Chẳng hạn, các khoản thế chấp ở Hà Lan thường có lãi suất cố định dài hạn, có nghĩa là các hộ gia đình của quốc gia này được cách ly khỏi lãi suất cao hơn so với xếp hạng mà The Economist đề xuất.

Ấn Độ có tỷ lệ nợ trên lợi nhuận thấp nhất

Trong kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã nâng cao lợi nhuận. Tại 33 trong số 39 quốc gia mà The Economist có dữ liệu, tỷ lệ nợ trên tổng lợi nhuận hoạt động đã giảm trong năm qua.

Tại Ấn Độ, bất chấp những cú sốc từ Adani Group, quốc gia này vẫn đạt điểm cao nhờ tỷ lệ nợ trên thu nhập tương đối thấp là 2,4.

Ngược lại, gánh nặng nợ nần cao và kinh tế quốc gia suy giảm, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty ở quốc gia đó.

Cụ thể, tại Pháp, tỷ lệ nợ trên tổng lợi nhuận hoạt động gần 9, cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Luxembourg.

Còn tại khu vực châu Âu, S&P Global lưu ý rằng, tỷ lệ vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm thấp ở châu Âu đã tăng từ dưới 1% vào đầu năm lên hơn 2% vào cuối năm 2022.

Ý có phần bù rủi ro đối với nợ cao nhất

Đối với nợ của Chính phủ, Daleep Singh, nhà kinh tế trưởng của PGIM Fixed Income cho biết, một biến số quan trọng cần theo dõi là phần bù rủi ro đối với khoản nợ (khoản sinh lợi được đòi hỏi để nắm giữ trái phiếu của một quốc gia so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ). Chính phủ các nước giàu hầu hết đang làm tốt biện pháp này, nhưng với Ý, quốc gia đã chứng kiến ​​sự gia tăng lợi suất trái phiếu lớn hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác trong mẫu 58 nền kinh tế vẫn là một rủi ro.

Khi Ngân hàng Trung ương châu Âu thắt chặt chính sách, họ đã ngừng mua trái phiếu chính phủ và sẽ bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 3, điều nguy hiểm bởi có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng.

Đối với nền kinh tế mới nổi, ngày nay các quốc gia này có xu hướng vay nợ bằng chính đồng tiền của họ sẽ ít chịu tác động. Ngược lại, các quốc gia mới nổi sử dụng nguồn tiền bên ngoài sẽ gặp thách thức phần bù rủi ro.

Trong đó, Argentina gần đây đã đạt được thỏa thuận cứu trợ, nhưng thỏa thuận này sẽ yêu cầu thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu từ IMF. Ghana, quốc gia gần đây đã cùng với Argentina rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, hiện đang bắt tay vào thắt chặt tài chính và tiền tệ trong nỗ lực đảm bảo hỗ trợ từ IMF.

Số phận của một số chính phủ, cũng như các hộ gia đình và doanh nghiệp cuối cùng sẽ cần sự hỗ trợ của nhà nước, có thể phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc. Mặc dù có mức nợ cao, nhưng Trung Quốc lại nằm gần cuối bảng xếp hạng vì lãi suất ổn định. Tuy nhiên, tầm quan trọng của quốc gia này đối với căng thẳng nợ toàn cầu ngày càng tăng. Trung Quốc hiện là người cho vay lớn nhất đối với các nền kinh tế nghèo trên thế giới và chiếm 2/3 khoản thanh toán dịch vụ nợ nước ngoài, làm phức tạp thêm các nỗ lực giảm nợ. Các chính phủ phương Tây cũng kỳ vọng rằng họ có thể "bắn hạ" quả bóng bay này.

Tin bài liên quan