Lãi suất tăng, chứng khoán liệu có giảm?

Lãi suất tăng, chứng khoán liệu có giảm?

(ĐTCK) Gần đây, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ở hầu hết các kỳ hạn và đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng chủ yếu do các biện pháp nhằm giảm áp lực tỷ giá. Không ít ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhưng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường sẽ khó tăng cao và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán. 

"Xu hướng tăng của lãi suất liên ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các công ty niêm yết"

Bà Hoàng Thúy Lương, Chuyên viên vĩ mô cao cấp, Công ty Chứng khoán Bản Việt

Trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ra một lượng USD nhằm ổn định thị trường ngoại hối, đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng, đồng thời hút lượng tương ứng VND, giúp giảm bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống. NHNN cũng điều tiết linh hoạt thông qua thị trường mở, giúp đảo chiều chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD.

Chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng mạnh, đồng Nhân dân tệ sụt giảm, nhu cầu từ khách hàng tăng và tâm lý thị trường đã khiến tỷ giá tăng mạnh trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, thanh khoản dư thừa liên tục trong những tháng vừa qua khiến lãi suất VND giảm xuống thấp hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng cũng góp phần tạo thêm áp lực lên tỷ giá. Chúng tôi cho rằng, NHNN tiếp tục điều tiết hợp lý để giữ mức chênh lệch dương giữa lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng, giúp ổn định tỷ giá là ưu tiên hàng đầu.

Lãi suất liên ngân hàng đang quay trở lại tương đương mức ghi nhận trong khoảng từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017. Ngoại trừ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên được điều chỉnh giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm bắt đầu từ quý III/2017 đến nay, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (giao dịch ngân hàng với cá nhân, tổ chức kinh tế) trong nửa đầu năm 2018 tương đối ổn định so với nửa đầu năm 2017. Với việc định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay quanh mức 15% thay vì 17% như kỳ vọng trước đây, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 dự báo sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay và có thể tăng nhẹ 10 - 20 điểm trong năm sau.

Chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất liên ngân hàng chỉ ảnh hưởng nhỏ đến mặt bằng lãi suất nên không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các công ty niêm yết, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất của nhiều công ty vẫn được dự báo tăng trưởng tốt.

"Lãi suất có thể tiếp tục tăng"

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT 

Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Tình trạng lãi suất ở mức cao này cũng xuất hiện nhiều lần trong các năm trước, thể hiện việc điều hành chính sách của cơ quan quản lý linh hoạt hơn rất nhiều sau giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2010. Do đó, chúng tôi đánh giá, khi mức lãi suất liên ngân hàng vượt 6%/năm (trung bình trong nhiều năm qua) mới có ảnh hưởng nhất định đến những cân đối vĩ mô lớn.

Lãi suất liên ngân hàng tăng là hệ quả của dòng tiền “rẻ” nhiều năm qua. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ tín dụng trên GDP Việt Nam ước đạt 140%, là mức cao nếu so sánh với các nước trong khu vực. Tín dụng đã liên tục tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 20% trong 3 năm qua. Dòng vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất.

Ngoài ra, lãi suất còn chịu ảnh hưởng từ áp lực lạm phát đang gia tăng. Tính chung 7 tháng, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ giá lương thực và xăng dầu. Giá thịt lợn dự báo vẫn sẽ ở mức cao trong 1 năm tới, do sau khi các hộ nông dân nuôi lợn thua lỗ nặng trong năm ngoái thì thời gian để gây dựng lại đàn thường mất khoảng 15 - 18 tháng. Đối với giá dầu, dự báo sẽ ổn định trong vùng giá hiện tại từ 65 - 70 USD/thùng, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, ảnh hưởng của giá dầu sẽ có độ trễ đối với CPI, vì đây là chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vì thế, chúng tôi cho rằng, lãi suất nhiều khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng sẽ không quá sốc nhờ chính sách điều hành của Chính phủ.

Hiện nay, ổn định tỷ giá là cần thiết để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại. Trong thời điểm USD đang mạnh lên, NHNN sẽ phải tiếp tục giảm lượng vốn trên thị trường và tăng lãi suất để kiềm chế tỷ giá.

Việc thị trường chứng khoán giảm mạnh kể từ tháng 4 đã khiến định giá thị trường ở mức hợp lý hơn nhiều so với trước. Trong điều kiện hiện nay, khó có thể hy vọng thị trường sẽ tăng mạnh, mà thiên về kịch bản đi ngang.

"Lãi suất là công cụ giúp tỷ giá giảm áp lực"

Lãi suất tăng, chứng khoán liệu có giảm? ảnh 2

 Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Dù VND mất giá khoảng 2% so với đầu năm, nhưng tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực theo chiều hướng tăng như lạm phát, lãi suất USD tăng, đồng tiền của nhiều đối tác thương mại với Việt Nam giảm mạnh so với USD, ví dụ Trung Quốc. Vậy nên, phải điều chỉnh linh hoạt tỷ giá USD/VND ở một mức mà không làm yếu đi khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, đồng thời không gây thêm áp lực tới lạm phát và không tạo áp lực chuyển dịch VND sang USD.

Tăng lãi suất là một trong các giải pháp giúp tỷ giá giảm áp lực. Với cách này, bên cạnh những mục tiêu tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều hành bơm/hút tiền, hút tiền về khiến VND khan hiếm hơn, dẫn đến lãi suất tăng.

Lưu ý, tăng lãi suất để giảm áp lực lên tỷ giá phải thật khéo léo, cân nhắc tổng hợp các yếu tố, vì lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để giảm lãi suất, việc giữ được mức ổn định hoặc tăng nhẹ đã là điều đáng mừng.

"Bán USD để cân bằng tỷ giá khiến lãi suất  liên ngân hàng tăng"

Vừa qua, có nhiều đợt biến động lãi suất liên ngân hàng, cao điểm trong những ngày gần đây lên đến 4,58%/năm ở kỳ hạn qua đêm. Khi tỷ giá USD/VND nhích dần, nhiều người dân và cả doanh nghiệp tích lũy USD, không đưa vào hệ thống ngân hàng do lãi suất bằng 0%/năm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt USD.

 Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam

Để cân bằng tỷ giá, bên cạnh các giải pháp khác thì biện pháp bán USD đã được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán mạnh USD, hút bớt tiền đồng về góp phần khiến lãi suất liên ngân hàng tăng, bởi thanh khoản tiền đồng của hệ thống bị “co” lại. Tôi cho rằng, hai công cụ điều hành tỷ giá bao gồm bán ra ngoại tệ và kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức cao hơn nhằm tăng chi phí nắm giữ ngoại tệ nhiều khả năng sẽ được NHNN tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Dĩ nhiên, điều này gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và Chính phủ có thể sử dụng thêm biện pháp thắt chặt tiền tệ để bảo vệ lãi suất.

Gần đây, NHNN đưa ra mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 17% (thấp hơn mức 18,02% của năm ngoái). Đây chính là giải pháp thắt chặt tiền tệ, dù sẽ gây khó khăn cho nhiều ngân hàng thương mại khi nhu cầu vốn thường tăng cao ở những tháng cuối năm. Các ngân hàng sẽ phải chọn lọc các nguồn vay chất lượng, uy tín hơn và có thể sử dụng nhiều kênh khác để bù đắp nguồn thu tín dụng.

Mục tiêu giữ tỷ giá trong biên độ 2 - 2,5% năm nay nếu thành hiện thực sẽ là một thành công lớn, tạo niềm tin với các nhà đầu tư quốc tế và góp phần giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

"Lãi suất, tỷ giá tăng sẽ có tác động lên thị trường chứng khoán, nhưng không đáng kể"

Giai đoạn tiền rẻ trên toàn cầu đã qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng số lần tăng lãi suất trong năm 2018 và hút tiền về. Khoảng 39 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất và dự báo tiếp tục tăng. Mặt khác, thị trường Việt Nam đang có mức lãi suất thấp, trong khi độ mở của nền kinh tế rất cao nên lãi suất, tỷ giá của Việt Nam phản ứng theo diễn biến chung trên thế giới.

 Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB

Sự điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam là bình thường, chủ yếu do USD mạnh lên khi Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ và kinh tế Mỹ hồi phục. USD phục hồi từ đáy chứ không phải tăng lên mặt bằng mới, nên áp lực lên các đồng tiền khác không đáng quan ngại. Từ đầu năm đến nay, VND mất giá khoảng 2 - 3%, trong khi đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi khác mất giá 5%.

Tỷ giá tăng nên lãi suất cũng có tín hiệu nhích lên để giữ giá đồng tiền. Tuy nhiên, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng tín dụng không quá nóng, lãi suất sẽ không có áp lực tăng mạnh.

Lãi suất, tỷ giá tăng sẽ có tác động lên thị trường chứng khoán, nhưng không đáng kể. VN-Index giảm từ mức 1.200 điểm đến nay đã phản ánh quá nhiều thông tin. Diễn biến tỷ giá và lãi suất ngắn hạn cũng đã được phản ánh, chiết khấu từ trước.

Những doanh nghiệp tăng trưởng tốt và dự báo đạt kết quả kinh doanh tích cực 2 quý cuối năm sẽ thu hút được dòng tiền. Đồng thời, dòng vốn ngoại trên toàn cầu sau khi chịu áp lực rút ròng mạnh trong quý II/2018 nhiều khả năng sẽ quay trở lại những thị trường giữ được tỷ giá ổn định, tăng trưởng GDP cao, hút vốn FDI mạnh, có tăng trưởng xuất khẩu, có thặng dư thương mại… Trong đó, Việt Nam vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Trong ngắn hạn, dòng tiền có tín hiệu bắt đầu quay trở lại thị trường mới nổi và khả năng thị trường Việt Nam sẽ được mua ròng kể từ nửa cuối quý III.

Cộng hưởng thêm yếu tố Việt Nam vẫn đang trong quá trình nâng hạng thị trường thì xu hướng VN-Index nửa cuối năm dự báo sẽ khả quan, không giảm mạnh. Chỉ số có khả năng dao động trong vùng 880 - 1.080 điểm.

Tin bài liên quan