Lãi suất tăng, bẫy thanh khoản dần trở thành hiện thực?

0:00 / 0:00
0:00
Bẫy thanh khoản được cảnh báo từ đầu quý II/2024 và dường như trở thành hiện thực khi làn sóng tăng lãi suất huy động liên tục lan rộng.
Tăng trưởng tín dụng cao gấp nhiều lần tăng huy động vốn khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động. Ảnh: Đ.T

Tăng trưởng tín dụng cao gấp nhiều lần tăng huy động vốn khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động. Ảnh: Đ.T

Chưa có yếu tố nào hỗ trợ giảm lãi suất

Chỉ riêng trong tháng 7/2024 đã có vài chục ngân hàng tăng lãi suất và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng luôn neo ở mức gần 5% với tất cả kỳ hạn.

“Lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, đi ngược với mong muốn của Chính phủ là lãi suất giảm xuống nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất liên ngân hàng quý I/2024 chỉ 0,3% thì quý II/2024 vọt lên 4%. Điều này cho thấy, thanh khoản đang trở nên có vấn đề”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Đầu tuần này, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đứng ở mức 4,93%, tất cả kỳ hạn khác ở mức trên 5%.

“Lãi suất qua đêm ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 2 tháng vừa qua. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đạt 6% cũng là một yếu tố tác động đến đà tăng của lãi suất liên ngân hàng”, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MBS nhận định.

Trong tháng 7/2024, NHNN sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm ổn định thanh khoản hệ thống. Đáng chú ý, lượng tiền được bơm qua kênh OMO trong tháng này tăng gấp 4 lần so với tháng trước đó.

Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động cũng liên tục tăng. Riêng trong tháng 7/2024 có 19 ngân hàng tăng lãi suất huy động, với mức tăng 0,1 - 0,7%. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên tới 5,5%, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng chạm mức 6% và kỳ hạn 18 tháng lên tới 6,2%.

Trước đó, báo cáo của NHNN cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, huy động vốn toàn hệ thống chỉ tăng 1,5%. Tăng trưởng tín dụng nhanh gấp 4 lần tốc độ tăng huy động vốn đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động để nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

“Khi kinh tế phục hồi, thì tín dụng phục hồi, nhu cầu vốn tăng lên, kéo theo lãi suất huy động tăng. Dù chúng ta đang tìm cách kiềm chế lãi suất, song vẫn không thể ngăn lãi suất bò trườn tăng trở lại. Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Dù vậy, mức độ tăng lãi suất như hiện tại chưa gây nguy hiểm cho nền kinh tế, thậm chí còn có lợi cho nền kinh tế”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Lãi suất điều hành không có khả năng điều chỉnh

Lãi suất huy động thời gian qua tăng dần do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, nửa cuối năm, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong khi huy động vốn tăng chậm, buộc phải tăng lãi suất để “kéo” vốn về để có nguồn cho vay.

Thứ hai, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, vàng,chứng khoán, bất động sản.

Thứ ba, tỷ giá tiếp tục đứng trước áp lực tăng và lãi suất tăng là để bảo vệ giá trị tiền đồng.

Thứ tư, nợ xấu nội bảng đang ở mức hơn 4%, nếu tính cả nội xấu ngoại bảng là gần 7%. Nợ xấu tăng cao đồng nghĩa nhu cầu huy động vốn cũng tăng cao, kéo theo lãi suất sẽ phải tăng theo.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Theo chuyên gia phân tích MBS, lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024. Dù vậy, MBS tin rằng, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citibank Việt Nam) cho rằng, việc NHNN bơm tiền đồng và tăng lãi suất trên kênh OMO là nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất VND với USD, giảm bớt áp lực cho tỷ giá.

Với định hướng như vậy, theo ông Trung, NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành, mà tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay.

Điều tích cực là sức ép của tỷ giá đang giảm dần nhờ Chỉ số USD Index trên thế giới suy yếu cùng với việc NHNN tích cực bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Theo dự đoán của Citibank, tỷ giá sẽ hạ nhiệt về mức 25.300 VND/USD vào cuối năm nay. Nếu tháng 9/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, thì sức ép với tỷ giá sẽ càng giảm.

Dù lãi suất tăng đáng kể từ đầu quý II/2024 đến nay, song vẫn đang thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ dần chững lại trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu.

Mức tăng lãi suất như hiện tại là hợp lý để tìm lại điểm cân bằng các kênh đầu tư. Thời gian qua, lãi suất đã bị “ép” hạ quá thấp, khiến dòng tiền rời bỏ ngân hàng, nguy cơ tạo bong bóng tài sản, gây hại cho nền kinh tế. Các chuyên gia cũng cho rằng, đà tăng lãi suất sẽ chậm lại thời gian tới.

Dù thanh khoản hệ thống đã “căng” hơn giai đoạn trước, song nhìn chung, thanh khoản hệ thống vẫn không phải là vấn đề đáng lo ngại. PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nhà điều hành không để xảy ra cú sốc thanh khoản. Hệ thống ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân, miễn là doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.

Tin bài liên quan