Việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ.

Việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ.

Lãi suất sẽ không tăng dịp cuối năm

(ĐTCK) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. NHNN sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp. 

Ngân hàng đua huy động vốn mùa cao điểm cuối năm

SCB vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với kỳ hạn 469 ngày, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao 8,9%/năm.

Chứng chỉ tiền gửi này có 5 mệnh giá, bao gồm 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Khi có nhu cầu vốn, chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi SCB được tự do chuyển nhượng dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi tại bất kỳ điểm giao dịch nào của SCB trên toàn quốc. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi có thể được sử dụng làm tài sản cầm cố tại SCB và các tổ chức tín dụng khác.

Tại SHB, với chương trình “Ưu đãi chào thu”, khách hàng gửi tiết kiệm sẽ được hưởng mức lãi suất 8,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Ở kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, mức lãi suất tối đa lần lượt là 8,2%/năm, 8,3%/năm và 8,4%/năm. SHB được xem là một trong những ngân hàng có lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng đều đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài”

Tại Nam A Bank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 8,3%/năm. VietBank và TPBank cùng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,2%/năm, trong khi BaoVietBank, NCB, PVcomBank, Viet Capital Bank cùng là 8%/năm.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trên thị trường 1, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,4-8,3%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Tuy nhiên, một số ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động cao, có thể lên đến 9%/năm, song thường kèm theo các điều kiện như số tiền gửi lớn, kỳ hạn dài (24-36 tháng), chỉ áp dụng với khách hàng cá nhân…, nên đối tượng khách hàng được hưởng mức lãi suất cao không nhiều, thị phần huy động của các ngân hàng này cũng khá nhỏ, nên diễn biến này không mang tính đại diện.

Thanh khoản đang căng thẳng?

Tuần từ 14-18/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành 87.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm, trong khi có 90.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Kênh thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch mới, chỉ tất toán 495 tỷ đồng mua kỳ hạn của tuần trước, đưa số dư OMO về 0. Tính chung lại, NHNN bơm ròng 2.505 tỷ đồng trên thị trường mở.

“Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm xuống dưới mốc 2% với cả kỳ hạn qua đêm và 1 tuần”, giám đốc tiền tệ một ngân hàng cổ phần chia sẻ.

Trên liên ngân hàng, lãi suất VND giảm 32 điểm phần trăm với kỳ hạn qua đêm và giảm 38 điểm phần trăm với kỳ hạn 1 tuần, xuống lần lượt 1,68%/năm và 1,92%/năm. Ở mức hiện tại, lãi suất VND trên thị trường này đã thấp hơn khá nhiều so với lãi suất USD, chênh lệch lãi suất qua đêm VND-USD chuyển sang âm 24 điểm phần trăm sau 14 tháng duy trì dương.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: “Hiện nay, thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế với những nhu cầu vốn hợp pháp”.

Trong bối cảnh đó, quý III vừa qua, NHNN thường xuyên sử dụng công cụ phát hành tín phiếu với khối lượng gọi thầu khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng/phiên và duy trì ở kỳ hạn ngắn 1 tuần.

Trong khi đó, công cụ OMO chỉ được sử dụng trong thời điểm thanh khoản đột ngột căng thẳng vào tuần cuối của tháng 8 với khối lượng tương đối hạn chế.

Ngoài ra, nguồn cung trên thị trường ngoại hối cũng tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện để NHNN mua vào khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng để bổ sung cho thị trường.

Với nguồn cung thanh khoản dồi dào và tâm lý thị trường tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì quanh mức 1,6-2%/năm và không loại trừ khả năng NHNN giảm lãi suất tín phiếu lần thứ 4 trong thời gian tới.

Dẫu vậy, thông tin từ NHNN cho biết, tính đến 4/10/2019, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,95% so với đầu năm, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và còn cách xa hạn mức tăng trưởng 14% của cả năm.

Nhu cầu huy động tiền gửi để hỗ trợ giải ngân tín dụng trong quý IV/2019 và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của NHNN sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm, đồng thời sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, nới rộng mức giãn lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.

Lãi suất sẽ không tăng

Ngày 9/10/2019, NHNN tiếp tục hạ 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tín phiếu về mức 2,5%/năm về cơ bản được nhận định là tương đối hợp lý, theo xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng.

Lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành sẽ có tác dụng định hướng, “neo giữ” kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động nói riêng và mặt bằng lãi suất cho vay nói chung sẽ ổn định và khó tăng mạnh thêm trong thời gian tới.

Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, dù thận trọng, nhưng NHNN đã phát đi tín hiệu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ nếu điều kiện thị trường cho phép.

Tuy vậy, nhiều ý kiến nhận định, NHNN có thể sẽ chưa tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất khác trong thời gian tới. Về động thái trên thị trường mở, dự kiến NHNN vẫn sẽ tiếp tục sử dụng công cụ phát hành tín phiếu là chủ đạo trong các tháng 10, 11 trước khi quay trở lại phát hành OMO vào cuối năm trong trường hợp thanh khoản thị trường có dấu hiệu căng thẳng.

Tình hình chênh lệch huy động vốn - tín dụng thường sẽ có xu hướng thu hẹp vào giai đoạn quý IV hàng năm dưới tác động của việc các ngân hàng đẩy mạnh hơn hoạt động tín dụng và tiền mặt có xu hướng dịch chuyển ra ngoài hệ thống do yếu tố mùa vụ.

Với việc tăng trưởng GDP được duy trì ở mức tích cực so với chỉ tiêu đề ra của Chính phủ là 6,6-6,8%, dự kiến NHNN vẫn sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là khoảng 14%.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn dự kiến sẽ tiếp tục sôi động với nhu cầu cải thiện các chỉ số an toàn của các ngân hàng. Dự kiến chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND vào thời điểm cuối năm sẽ thu hẹp khoảng 50.000 tỷ đồng so với mức cuối tháng 9.

Với việc giải ngân đầu tư công gần như sẽ không thể hoàn thành kế hoạch trong năm nay, lượng tiền gửi của Kho bạc nhà nước tại các ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao trong quý cuối năm nay.

“Tuy nhiên, với đặc thù chỉ tập trung tại một số ngân hàng lớn, một sự dịch chuyển ra khỏi hệ thống của lượng tiền này vẫn có thể tạo ra tác động đáng kể lên thanh khoản chung, đặc biệt trong bối cảnh tình hình được dự báo bớt thuận lợi hơn về cuối năm”, báo cáo của BIDV cảnh báo.

Một lãnh đạo cao cấp BAOVIET Bank nhận định: “Chúng tôi không loại trừ khả năng trước thềm năm 2020, khi hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II được chính thức áp dụng cho toàn hệ thống và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được tiếp tục điều chỉnh giảm, sẽ vẫn có những đợt tăng lãi suất huy động, nhưng chỉ mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ”.

Về mặt bằng lãi suất huy động trong 3 tháng tới được lãnh đạo các ngân hàng nhận định vẫn theo xu hướng đi ngang trong bối cảnh các yếu tố triệt tiêu cho nhau.

Cụ thể, thanh khoản trong hệ thống dồi dào dẫn đến lãi suất thị trường 2 ở mức thấp, tạo điều kiện giảm chi phí vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng.

Tuy nhiên, nhu cầu giải ngân tín dụng tăng cao vào giai đoạn cuối năm, cũng như nhu cầu huy động vốn đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn do NHNN ban hành lại là yếu tố khiến lãi suất huy động kỳ hạn dài nhích tăng.

Trong điều kiện mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi, lãi suất cho vay khả năng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang.

Tin bài liên quan