Lãi suất sẽ giảm trong năm 2009

(ĐTCK-online) Sau những cú sốc của thị trường tiền tệ diễn ra cuối tháng 2/2008, biểu hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ các mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng, đến nay thị trường đã êm dịu trở lại và có nhiều dấu hiệu tích cực cho sự ổn định và phát triển bền vững do những tác động chính sách đúng hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong thời điểm cuối tháng 2/2008, trên thị trường liên ngân hàng có một vài giao dịch chấp nhận mức lãi suất lên tới 40%/năm, gây sốc cho thị trường. Nguyên nhân của cú sốc này là do một số ngân hàng thương mại (NHTM) thiếu thanh khoản, do không điều chỉnh kịp thời kế hoạch kinh doanh trước dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN từ giữa năm 2007 nên vẫn tiếp tục mở rộng tín dụng, vượt khả năng huy động vốn của mình. Trước tình trạng lãi suất liên ngân hàng tăng cao như vậy, NHNN đã điều tiết tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các NHTM, nhất là những ngân hàng cho vay vượt quá nhiều nguồn vốn huy động trên thị trường 1 và có chính sách hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn thanh khoản cho các NHTM này. Nhờ tác động của các giải pháp chính sách từ phía NHNN mà từ giữa tháng 5/2008 đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định, xoay quanh mức 18 - 19%/năm đối với kỳ hạn 7 - 14 ngày (xem đồ thị).

 Lãi suất huy động vốn bằng VND của các NHTM cũng có sự gia tăng mạnh. Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động phổ biến trên thị trường tăng từ mức 7,5 - 8%/năm cuối năm 2007 lên đến mức 17,5%/năm trong tháng 6/2008 (chỉ có một vài ngân hàng nhỏ nâng mức lãi suất lên 19%/năm). Trước đó, lãi suất huy động có biểu hiện tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 2/2008. Sự gia tăng mạnh của lãi suất huy động như vậy nếu kéo dài có thể gây nên sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Trước tình đó, để ổn định lãi suất thị trường, NHNN đã kịp thời có công điện yêu cầu các NHTM không được huy động vượt mức 12%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng, trước sức ép lạm phát lên cao, ngày 16/5/2008, NHNN công bố bỏ quy định khống chế mức trần lãi suất huy động 12%/năm, thay vào đó là cơ chế điều hành lãi suất mới, quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố là 12%/năm tại thời điểm đó; đến ngày 11/6/2008, mức lãi suất cơ bản được nâng lên là 14%/năm.

Việc thay đổi cơ chế lãi suất như vậy, cùng với một số giải pháp khác như tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các NHTM nhằm nâng cao ý thức tuân thủ phát luật và giảm rủi ro đạo đức của các NHTM; thực hiện điều tiết linh hoạt vốn khả dụng qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ tái cấp vốn, tái chiết khấu nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản cho các NHTM; điều chỉnh tỷ giá chính thức và nâng biên độ tỷ giá; hạn chế đối tượng vay ngoại tệ… Sau những động thái chính sách đó, đến nay thị trường đã có những phản ứng theo chiều hướng tích cực (xem đồ thị). Cụ thể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức tương đối ổn định từ những ngày cuối tháng 5 đến nay; vốn khả dụng của các NHTM xét trên toàn hệ thống luôn ở trạng thái cân bằng, số ngày dự trữ vượt đã tăng dần lên trong tháng; tín dụng cho vay giảm mạnh so với 4 tháng đầu năm, đặc biệt là trong tháng 6; các NHTM đã có những động thái thắt chặt các điều kiện vay vốn để đảm bảo chất lượng tín dụng khi lãi suất tăng cao, đồng thời quan tâm đến quản lý thanh khoản; lãi suất thực dương dần được cải thiện; chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá không chính thức dần được thu hẹp; tốc độ tăng của lạm phát và thâm hụt thương mại tháng 6 giảm hơn tháng 5...

Những dấu hiệu khả quan trên cho thấy, các giải pháp mà NHNN thực hiện trong 6 tháng qua nhằm bình ổn lãi suất, tỷ giá và kiềm chế lạm phát đã tỏ ra đúng hướng, tất cả các giải pháp đó đã có tác động tích cực đến diễn biến thị trường. Nếu không có những diễn biến bất lợi khác của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, thì trong 6 tháng cuối năm, lãi suất sẽ có chiều hướng ổn định như hiện nay và có khả năng giảm dần trong năm 2009; chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và phi chính thức sẽ thu hẹp hơn nữa, thị trường tiền tệ thông suốt, tạo được sự ổn định bền vững.