Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may đang đối diện với nhiều áp lực, nhất là lãi suất tăng cao và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Đó là nhận định của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean khi đánh giá tình hình các doanh nghiệp dệt may đang gặp phải.
Ông Việt cho biết, ở thời điểm hiện tại, Việt Thắng Jean không vay thêm vốn dù đang có nhu cầu đầu tư sản xuất. Thế nhưng, do lãi suất ngân hàng quá cao và tỷ giá VND/USD biến động… nên rất khó cho doanh nghiệp khi xuất, nhập khẩu.
“Chúng tôi có nhu cầu vay vốn để đầu tư hoàn chỉnh cho công nghệ 4.0, đầu tư 5 dây chuyền sản xuất mới, với 5 triệu USD/dây chuyền để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại Việt Thắng Jean chỉ sản xuất cầm chừng, cố gắng kinh doanh không lỗ và tạm ngừng đầu tư theo dự định”, ông Việt nói.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony chia sẻ, trong quý II/2022, doanh nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà xưởng mới với công suất khoảng 60.000-70.000 sản phẩm/tháng ở quận Bình Tân (TP.HCM), đồng thời Dony còn chuẩn bị chi phí mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại, đăng ký các chứng nhận tiêu chuẩn nhà xưởng để mở rộng thị trường.
“Giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 có nhiều biến động trong sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may, thêm những tác động từ nền kinh tế toàn cầu vẫn đang bủa vây nên mọi kế hoạch phải tạm dừng. Chúng tôi dự kiến bắt đầu lại khi doanh nghiệp nhận thấy các tín hiệu khả quan, có thể là giai đoạn 2024-2025”, ông Quang Anh cho hay.
Tương tự, bà Tống Thị Trà My, Phó giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Navitex (Hà Nội) thông tin: “Nửa đầu năm 2022, chúng tôi bắt đầu mở rộng kho bãi và văn phòng ở một số tỉnh, thành phố, nhưng với tình hình lãi suất hiện tại, Navitex không đủ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch này”.
Lãi suất cao không chỉ khiến doanh nghiệp phải dừng các dự án mở rộng thị trường, mà còn hạn chế đầu tư, nâng cấp máy móc và trang thiết bị hiện có ở nhà xưởng.
Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình hiện đại hóa, tự động hóa, giảm tốc độ tăng trưởng và chất lượng sản phẩm… Từ đó khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh với thị trường quốc tế, không tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và hạn chế cơ hội đón đầu các đơn hàng mới vì công suất có giới hạn.
Theo ông Việt, thời điểm này còn khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19. Ngoài việc bị ảnh hưởng đầu vào thì hiện nay Việt Thắng Jean còn bị tác động cả đầu ra, dẫn đến sản xuất cầm chừng và không tiếp tục đầu tư mới. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của ngành dệt may trong 3-5 năm nữa.
Nhiều giám đốc doanh nghiệp dệt may nêu thực tế, lợi nhuận các đơn hàng hiện rất thấp do thị trường đang khó khăn dẫn đến biên lợi nhuận cực kỳ nhỏ, doanh nghiệp làm ra bao nhiêu chỉ đủ đóng tiền lãi, nhiều khi doanh nghiệp phải chịu lỗ để duy trì sản xuất, giữ chân lao động.
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác liên quan đến thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao thì dòng tiền từ hoàn thuế vẫn chưa thu về để tái đầu tư, hạn chế vay vốn.
Trao đổi kinh nghiệm để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này, ông Phạm Văn Việt cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung, dự trữ nhiều nguyên liệu để sẵn sàng sản xuất cho những đơn hàng cần thiết. Với Việt Thắng Jean, chính sách lúc này là mua máy móc theo hình thức “mua trước, trả sau” theo quy định của hợp đồng hai bên nhằm giảm áp lực về dòng tiền.
Còn với Dony, ông Quang Anh cho biết, năm nay đơn hàng có tăng thêm, nhưng doanh nghiệp không đầu tư trang thiết bị mà áp dụng chính sách thuê các loại máy như máy in, máy may chuyên dùng… để hạn chế sử dụng nguồn vốn cố định.
Ông Phạm Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại thời trang quốc tế Tami kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần khống chế lãi trần, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8-8,5%, giảm thuế đến hết năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.