Lãi suất margin vẫn còn cao

Lãi suất margin vẫn còn cao

(ĐTCK) Các CTCK vừa bước vào đợt điều chỉnh lãi suất margin và ứng trước nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số công ty áp dụng mức lãi suất trên 16%/năm.

Ngày giao dịch đầu tháng 6, CTCK VPBS công bố lãi suất margin và ứng trước có thể coi là cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay. Theo đó, danh mục chứng khoán xếp loại 1 của VPBS được hưởng lãi suất 0,036%/ngày, tương đương 13,4%/năm. Chỉ có 50 mã chứng khoán trong dạnh mục 1 của VPBS, trong đó có các cổ phiếu ngân hàng như STB, ACB, VCB, các cổ phiếu ngành cao su, dầu khí… Danh mục 2 gồm 109 công ty, hưởng lãi suất 0,043%/ngày, tương đương 15,5%/năm. Các cổ phiếu danh mục 3 chịu lãi suất tới 17,5%/năm nhưng cũng chỉ có 74 mã.

Lãi suất margin vẫn còn cao ảnh 1

Lãi suất margin vẫn một mình một chợ, bất chấp đà giảm của lãi suất ngân hàng

Mức lãi suất mà VPBS áp dụng cho danh mục 1 là mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay. Còn lãi suất áp dụng cho danh mục 2 là mức lãi suất mà một số CTCK quy mô nhỏ đang áp dụng cho dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán hoặc margin nếu có cung cấp dịch vụ này. Như tại CTCK SJC, lãi suất ứng trước là 0,043%/ngày.

Những mức lãi suất này cạnh tranh hơn hẳn mức được áp dụng ở nhóm các CTCK lớn như SSI, HSC, FPTS, là 0,045%/ngày, tương đương 16,5%/năm. Để cạnh tranh hơn, CTCK VNDS vừa công bố giảm lãi suất margin và ứng trước từ 0,045% xuống còn 0,044%/ngày tức còn 16%/năm.

Môi giới một số CTCK lớn cho biết, với mức lãi suất cao như hiện nay, công ty rất khó lôi kéo khách hàng. Ngay cả những khách hàng lớn cũng chỉ duy trì một giá trị giao dịch vừa phải tại công ty lớn để lấy thông tin. Họ sẽ san sẻ bớt tài khoản sang các CTCK khác có mức phí, lãi suất hợp lý hơn nhằm giảm chi phí đầu tư.

Còn các CTCK nhỏ thì chia sẻ, khi lãi suất huy động đang giảm, khách hàng “soi” lãi suất vay vốn hay ứng trước rất kỹ, nếu không giảm, khách hàng sẵn sàng chuyển sang giao dịch ở công ty khác ngay lập tức.

Vì thế, các CTCK đang phải nhìn nhau để điểu chỉnh mức lãi suất của các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh bằng lãi suất dịch vụ tài chính, ưu thế không hẳn thuộc về CTCK có ngân hàng lớn đứng sau, mà còn tùy thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng. CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) áp dụng lãi suất margin 0,041%/ngày, khoảng 15%/năm, trong khi CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco) áp dụng lãi suất margin và ứng trước 17,5%/năm.

Cho dù lãi suất là 15%/năm thì đây vẫn là mức  hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất cho vay ngắn hạn khối doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Thanh khoản của TTCK vẫn đang khá tốt và triển vọng từ nay đến cuối năm khả quan nên nguồn thu từ dịch vụ tài chính của CTCK sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của khối công ty này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao một số CTCK lớn không có ngân hàng đứng sau lại phải duy trì mức lãi suất cao từ 16%/năm? Mức chênh lệch 6% so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm có quá nhiều hay không? Nếu nói rằng, số vốn này dành để tự doanh, có thể mang lại lợi tỷ suất lớn nhuận lớn hơn thì cũng chưa chắc chắn, bởi tự doanh đồng nghĩa rủi ro cao hơn, trong khi vốn cho dịch vụ tài chính mang lại lợi nhuận ổn định nếu công ty làm tốt quản trị rủi ro và tuân thủ tỷ lệ cho vay an toàn. Mặt khác, margin hay ứng trước là dịch vụ tất yếu để CTCK phát triển kinh doanh nếu muốn thu được các loại phí từ khác khách hàng.

Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng hiện đang dồi dào, cho vay sản xuất còn rất khó tìm kiếm đầu ra. Trong khi đó, cho vay lĩnh vực chứng khoán lại áp dụng mức lãi suất cao như hiện nay là một bất hợp lý mà cả các CTCK cũng như các ngân hàng nên điều chỉnh.