Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, thanh khoản có quá căng?

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, thanh khoản có quá căng?

(ĐTCK) Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018, khối lượng tiền trên thị trường mở (OMO) đã vượt khối lượng tín phiếu, đánh dấu sự trở lại của thời kỳ bơm tiền sau một thời gian dài Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút tiền thông qua phát hành tín phiếu khối lượng lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thanh khoản toàn hệ thống đã bớt dồi dào.

Thanh khoản bắt đầu eo hẹp

Ngày 6/11, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 - 0,06 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm, duy trì ở mức 4,81%/năm và 1 tháng là 4,88%/năm.

Cùng với đà tăng trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất khu vực tổ chức kinh tế và dân cư cũng điều chỉnh tăng rõ rệt ở các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng tại các ngân hàng quốc doanh và kỳ hạn dài 12 - 13 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, sau một thời gian tương đối bình ổn, lãi suất bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì xu hướng tăng từ tháng 10/2018 đến nay.

Trong đó, lãi suất qua đêm tăng mạnh nhất, đạt đỉnh 4,533%/năm vào cuối tháng 10/2018, tăng 193 điểm phần trăm so với cuối tháng 9 và gần sát lãi suất OMO hiện tại là 4,75%/năm.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết: “Thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục xu hướng bớt dồi dào trong tháng 10/2018”.

Diễn biến lãi suất VND liên ngân hàng trong tháng 10/2018, theo vị lãnh đạo BIDV có thể chia làm 2 giai đoạn chính: Thứ nhất, dao động ổn định quanh mức 3,0 - 3,5%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 4,5 - 4,6%/năm với kỳ hạn 3 - 6 tháng; thứ hai, tăng mạnh 1,5 - 1,7%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần và 0,2 - 0,9%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Đến cuối tháng, các kỳ hạn đều bám sát trần lãi suất OMO 4,7 - 4,8%/năm.

Như vậy, bình quân cả tháng, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 3,67%/năm, tăng 0,16% so với tháng trước và cao hơn 2,71% so với cùng kỳ 2017, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 4,54%/năm, tăng 0,06% so với tháng trước và thấp hơn 1,28% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng giao dịch trên thị trường trong tháng 10 ở mức thấp hơn so với tháng trước và tương đương với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 26,5 nghìn tỷ đồng, giảm gần 16% so với giá trị giao dịch của tháng trước và cao hơn 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cao của hệ thống ngân hàng, NHNN cho vay trên OMO lên tới 44.544 tỷ đồng - mức cao nhất từ đầu năm 2018 đến nay và tập trung vào tuần cuối của tháng 10.

Về tín phiếu, chỉ có 15.170 tỷ đồng được phát hành trong khi có tới 62.691 tỷ đồng đáo hạn. Tính chung cả tháng, NHNN đã bơm ròng 92.065 tỷ đồng, trong đó thông qua kênh mua kỳ hạn là 44.544 tỷ đồng.

Mặc dù lãnh đạo cao cấp NHNN đã xác nhận không phải tất cả các ngân hàng xin nới room tín dụng đều được chấp nhận, nhưng trước thông tin một vài ngân hàng đã được nhận chỉ tiêu mới, dự báo thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng VND tháng 11/2018 về cơ bản vẫn khá căng thẳng.

Dự kiến, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động quanh mức 4,0  - 4,7%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.

Lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018, khối lượng tiền lưu hành trên OMO đã vượt khối lượng tín phiếu, đánh dấu sự trở lại của thời kỳ bơm tiền sau một thời gian dài NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu khối lượng lớn.

“Diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp”, một lãnh đạo cao cấp BAOVIET Bank chia sẻ. 

Lãi suất chịu áp lực tăng

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất chiếm ưu thế chủ đạo trong tháng 10/2018, mà nguyên nhân chính là do NHNN tiếp tục duy trì định hướng điều hành chặt chẽ.

Điều này thể hiện ở việc tăng lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày thêm 0,25%/năm để hút bớt lượng tiền dư thừa trên thị trường, đồng thời chỉ đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu cung OMO khi thanh khoản thị trường có xu hướng căng thẳng hơn.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển các dòng tiền lớn trên thị trường cũng theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt trong nửa cuối tháng 10/2018, khi chênh lệch huy động vốn và tín dụng VND tiếp tục xu hướng thu hẹp khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, do huy động vốn VND tăng trưởng ở mức thấp hơn khoảng 0,5 - 0,7% % so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Đặc biệt, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng biến động thường xuyên hơn với mức giảm khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2018.

“Tâm lý thị trường duy trì trạng thái lo ngại, thận trọng với độ nhạy cảm cao trong bối cảnh rủi ro quốc tế có xu hướng gia tăng và NHNN tiếp tục phải bán ra gần 2 tỷ USD trong tháng 10 để ổn định tỷ giá”, một nghiên cứu của Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV nhận định.

Mặc dù lãnh đạo cao cấp NHNN đã xác nhận không phải tất cả các ngân hàng xin nới room tín dụng đều được chấp nhận, nhưng trước thông tin một vài ngân hàng đã được nhận chỉ tiêu mới, dự báo thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng VND tháng 11/2018 về cơ bản vẫn khá căng thẳng.

Dự kiến, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động quanh mức 4,0  - 4,7%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.

Cụ thể, theo Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ của BIDV, lãi suất chịu áp lực tăng bởi các yếu tố chính như sau:

Thứ nhất, chính sách điều hành của NHNN nhất quán với định hướng điều tiết cung tiền chặt chẽ, thận trọng, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm để thực hiện hai mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền.

Thứ hai, chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND có thể tiếp tục co hẹp khoảng 10 - 15 nghìn tỷ đồng trong tháng 11, do tín dụng trong các tháng cuối năm thường có xu hướng tăng nhanh hơn huy động vốn, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn gia tăng theo chu kỳ và lượng tiền mặt ngoài lưu thông cũng có xu hướng tăng mạnh khiến cho huy động vốn sụt giảm.

Thứ ba, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại được nhận định là một biến số khó lường và dự kiến sẽ biến động nhiều hơn trong các tháng cuối năm do nhu cầu chi tiêu ngân sách có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt trong trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư phát triển 10 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 55% kế hoạch, trong khi nguồn thu từ các giao dịch thoái vốn cổ phần diễn biến không như kỳ vọng.

Lãnh đạo BIDV nhận định: “Trên cơ sở các yếu tố tác động chính và một số yếu tố rủi ro cần tiếp tục được theo dõi chặt chẽ bao gồm chính sách điều hành của NHNN, biến động tỷ giá và chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND, lãi suất VND liên ngân hàng trong tháng 11/2018 được dự báo dao động chủ đạo quanh biên độ 4,3 - 4,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần”.

Tin bài liên quan