Các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ra sao đến chính sách tiền tệ trong nước, nhất là khi Fed vừa tăng lãi suất và dự kiến tiếp tục tăng, thưa ông?
Lãi suất VND thiếu ổn định do bị ảnh hưởng từ quyết định gần đây của Fed. Trong 3 tháng qua, Fed đã 2 lần tăng lãi suất USD. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước khó có thể sớm thực hiện được mục tiêu cắt giảm thêm lãi suất. Với xu hướng này, lãi suất cho vay năm nay có thể sẽ nhích lên hoặc bằng năm ngoái và tăng dần vào cuối năm nay, tuy không nhiều.
Chúng tôi đẩy lùi nhận định về thời điểm tăng lãi suất đến quý I/2018, nhưng chúng ta cũng không thể kỳ vọng lãi suất ở mức thấp mãi được. Trong ngắn, trung hạn, VND được xem là ổn định và kỳ vọng chỉ tăng giá khoảng 2-3% năm nay, vì vậy giữ VND vẫn có lợi hơn USD. Dự báo tỷ giá VND/USD được điều chỉnh ở mức 23.200 đồng/USD vào cuối năm 2017, từ mức 22.800 đồng/USDtrước đó.
Vì sao lãi suất tiền gửi lại tăng trong thời gian gần đây, thưa ông?
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng lên trong những tháng gần đây do bản thân các ngân hàng phải chuẩn bị tốt thanh khoản để đáp ứng cầu tín dụng đang dần cải thiện. Từ đầu năm nay, các doanh nghiệp cũng bắt đầu hứng khởi hơn so với đầu năm trước trong việc mở rộng sản xuất, đầu tư vào nhà máy, nhà xưởng và đẩy mạnh kinh doanh. Vì thế, các ngân hàng cũng phải chuẩn bị thanh khoản để đón đầu xu thế tín dụng tăng của doanh nghiệp.
Mặt khác, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của một số ngân hàng đã đụng ngưỡng cho phép và phải tái cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Do đó, các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng cường huy động kỳ hạn dài 5-10 năm.
Thêm vào đó, cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng đã có sự thay đổi. Các ngân hàng yếu kém sẽ dần bị loại khỏi thị trường qua M&A và chủ trương giảm bớt số lượng ngân hàng trong hệ thống cũng đã được nói đến. Vì lẽ đó, các ngân hàng đang phải chuẩn bị tốt nội lực để chứng minh năng lực tài chính của mình và có thể tồn tại cũng như đúng vững trên thị trường tài chính.
Liệu lãi suất cho vay có giữ được ổn định hay sẽ tăng lên so với hiện nay?
Chúng ta phải dần làm quen với việc lãi suất không thể giảm mãi hay giữ ở mức thấp trong thời gian dài, cho dù bản thân những người cần vốn, nhất là với các doanh nghiệp, luôn mong muốn lãi suất thấp. Nhưng đứng trước bối cảnh chung của thị trường cả trong và ngoài nước, nhất là khi Fed vừa tăng thêm lãi suất cơ bản USD lần thứ 2 chỉ trong 3 tháng trở lại đây và đưa ra thông điệp sẽ tăng ít nhất thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần trong năm tới nữa, thì áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất VND là khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, chi phí huy động vốn của các ngân hàng trong nước sẽ tăng lên và chúng ta phải dần làm quen với xu hướng này. Thế nhưng, các ngân hàng cũng chưa hẳn vì lý do này để có thể tăng cao lãi suất đầu ra. Họ đang phải cạnh tranh với nhau theo cơ chế thị trường trong việc giữ thị phần tín dụng, nên khi huy động vốn đầu vào cao thì cũng phải tính toán làm thế nào để sử dụng được nguồn vốn này hiệu quả.
Do đó, chưa hẳn các ngân hàng huy động vốn vào chi phí cao thì sẽ cho vay ra với lãi suất cao hơn mặt bằng chung của thị trường, mà phải để thị trường tự điều chỉnh. Rất khó có thể xảy ra tình trạng chạy đua cạnh tranh lãi suất cả thị trường một và liên ngân hàng như trước đây để đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng đang chuẩn bị thanh khoản tốt hơn, đáp ứng cầu tín dụng, thì lãi suất tăng nhẹ cũng là điều dễ hiểu.
Thực tế hiện nay, thanh khoản của hệ thống vẫn khá dồi dào và ổn định. Nhưng xu hướng lãi suất cho vay sẽ khó tránh được chiều hướng tăng nhẹ trong thời gian tới đây, cho dù bản thân doanh nghiệp cũng như Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều kỳ vọng lãi suất tiếp tục đi xuống.
Khả năng trong 6 tháng đầu năm 2017, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định mặt bằng hiện nay, nhưng sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm, cho dù mức tăng kỳ vọng không quá nhiều, chỉ khoảng 0,5-1%, thì các doanh nghiệp mới có thể chấp nhận được.