Hiện tại, gửi tiền ở một số ngân hàng như BacABank, NCB, VietCapitalBank, khách hàng được hưởng lãi suất từ 7,5 - 7,8%/năm. Tại SHB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng là 8,2%/năm, áp dụng với các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm bậc thang theo số tiền tại quầy giao dịch. Tại Viet A Bank, lãi suất kỳ hạn 7 tháng là 8,3%/năm.
Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước áp dụng mức lãi suất tiền gửi phổ biến là 5,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lớn có lãi suất phổ biến trong khoảng 5,8 - 6,8%/năm. Để được hưởng lãi suất cao hơn, khách hàng phải gửi với kỳ hạn dài. Tại CBBank hay ABBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng từ 8%/năm.
Nhiều ý kiến nhận định, lãi suất sẽ khó giảm trong thời gian tới, nhất là đối với kỳ hạn dài ngày, bởi lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, lãi suất tiền gửi chịu áp lực tăng do cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiền gay gắt hơn khi NHNN dự kiến giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 35% vào năm 2020 và 30% vào năm 2021, dẫn đến tăng cạnh tranh đối với tiền gửi trung và dài hạn.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, lãi suất huy động đầu vào thời gian qua đã tăng đáng kể so với trước đó, nhất là lãi suất gửi tiết kiệm trung và dài hạn. Hiện nhiều ngân hàng đang huy động với lãi suất từ 8%/năm trở lên đối với kỳ hạn trên 12 tháng, nên rất khó để lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới, trong đó có lãi vay mua nhà.
Chưa kể, hệ số rủi ro áp dụng cho các khoản vay mua nhà ở mức khá cao trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có dấu hiệu rủi ro và hình thành mặt bằng giá mới ở mức cao hơn trước.
Thực tế, từ đầu năm 2019, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, qua đó đẩy lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tăng lên.
Trước đó, để đảm bảo quy định của NHNN tại Thông tư 19, cơ cấu lại nguồn vốn, các ngân hàng đã phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Vì vậy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nằm dưới mức 40%.
Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn chiếm từ 38 - 45,5% tổng dư nợ. Tại nhiều ngân hàng khác như Nam A Bank, SCB, Techcombank, BIDV, HDBank, ACB, TP Bank, Kienlong Bank, MBB, VPBank, VIB, Sacombank, OCB, Bac A Bank…, tỷ lệ này đều dưới mức 40%. Trong đó, Bac A Bank là 39,6%, OCB là 37,6%, Sacombank là 37,4%, HDBank khoảng 32%, Techcombank khoảng 30%, SCB là 20,4%, Nam A Bank là 20,4%.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, Ngân hàng đã có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ rất sớm, 47,1% trong năm 2016 xuống 40,7% năm 2017 và hiện chỉ còn khoảng 36,7%.
Tuy nhiên, NHNN tiếp tục đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo 2 phương án. Cụ thể, phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 vẫn là 40%, nhưng từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%.
Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021. Sau đó, từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34% và từ 1/7/2020 giảm xuống 30%.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng được vốn trong năm nay và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí thấp, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài (lãi suất từ 8,5 - 9%/năm), nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, qua đó giảm thiểu áp lực phải giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong tương lai.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tỷ trọng trên phản ánh hệ thống ngân hàng đang phải gánh một lượng lớn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của nền kinh tế - nhu cầu có chi phí lãi suất cao.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc cân đối lại nguồn tiền, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình nói trên. Thực tế, nguồn tiền tiết kiệm của người dân chủ yếu là ngắn hạn, tâm lý của người gửi tiền muốn gửi ngắn hạn vì muốn dự phòng trường hợp cần rút ra chi tiêu. Do đó, các ngân hàng khó có thể huy động được nhiều nguồn vốn trung và dài hạn.
Mặc dù vậy, theo TS. Hiếu, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng Việt Nam 40% hiện nay vẫn cao so với thông lệ quốc tế; ở Mỹ chỉ khoảng 20%. Vì thế, Việt Nam cần có lộ trình để giảm tiếp xuống 30%, thậm chí là 20%. Thời gian và lộ trình để các ngân hàng có sự chuẩn bị có thể trong vòng 2 - 3 năm.