Hoạt động huy động vốn hiện không còn dễ như thời gian trước đây - Ảnh: Hoài Nam

Hoạt động huy động vốn hiện không còn dễ như thời gian trước đây - Ảnh: Hoài Nam

Lãi suất khó giảm thêm

(ĐTCK-online) Mặc dù đã có sự điều chỉnh giảm theo sự đồng thuận giữa các ngân hàng thành viên Hiệp hội Ngân hàng, song mặt bằng lãi suất huy động hiện nay vẫn ở mức xoay quanh 11,2%/năm, ở hầu hết các kỳ hạn dưới 1 năm. Theo các ngân hàng, khả năng lãi suất sẽ còn điều chỉnh trong thời gian tới nếu lạm phát kỳ vọng giảm xuống. Tuy nhiên, trước mắt khó giảm thêm, vì huy động vốn vẫn tiếp tục khó khăn.

Hiện mức 11,2%/năm lãi suất huy động được các ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn 3 - 12 tháng và 11 - 11,1%/năm là cho kỳ hạn dài ngày từ 12 tháng trở lên. Theo các nhà băng, mặc dù đã có đợt điều chỉnh giảm lãi suất trong 2 tuần đầu của tháng 7/2010, song tốc độ tăng số dư tiền gửi vào ngân hàng vẫn có chiều hướng chậm lại, cạnh tranh trong huy động vốn gay gắt hơn. Thực tế, không ít ngân hàng nhỏ đã phải tăng thêm các hình thức khuyến mãi.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Sơn Nam, Tổng giám đốc TrustBank cho biết, Ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động vốn xuống mặt bằng chung của thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nam, lượng vốn huy động vẫn trong xu thế tăng chậm. Hiện lãi suất tiền gửi VND cao nhất được áp dụng tại TrustBank là xấp xỉ 11%/năm, đồng thời, Ngân hàng còn cộng thêm lãi suất thưởng tùy vào giá trị tiền gửi cũng như kỳ hạn gửi tiền của khách hàng, từ 0,1 - 0,3%/năm.

Theo nhận định của ông Nam, nếu tỷ lệ lạm phát được kiểm soát như mục tiêu đề ra là 8% hoặc thấp hơn, khả năng lãi suất trong thời gian tới sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Nhưng trước mắt, mặt bằng lãi suất có thể sẽ đứng yên ở mức nói trên.

Lạm phát thực tế và lạm phát kỳ vọng nếu không giảm xuống thì mặt bằng lãi suất hiện nay không đủ hấp dẫn để thu hút lượng tiền gửi vào ngân hàng nhiều hơn. Mặt khác, cạnh tranh cũng khiến nhiều ngân hàng không dám hạ lãi suất, vì sợ khách hàng có thể bỏ sang các ngân hàng khác, nhất là khi hầu hết khách hàng đang chọn kỳ hạn ngắn để gửi tiền.

Khó khăn trong khâu huy động đã hạn chế việc cho vay ra. Tốc độ tăng chậm của dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm đã nói nên điều đó. Việc cho vay ra còn bị hạn chế bởi các điều kiện về đảm bảo an toàn với ngân hàng được thắt chặt hơn. Theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, áp dụng từ ngày 1/10/2010, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phải nâng lên mức 9% so với 8% hiện nay.

Các ngân hàng cho biết, việc giảm lãi suất cho vay là điều cần thiết để kích thích tăng trưởng dư nợ, nhưng không có nghĩa là các ngân hàng sẽ đẩy mạnh vốn cho vay. Thực tế, trong nửa đầu tháng 7/2010, các ngân hàng đã công bố điều chỉnh lãi suất, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ.

Đồng thời, nguồn vốn giá rẻ chỉ tập trung cho lĩnh vực xuất khẩu. VietinBank cho biết, hiện Ngân hàng đang dành khoảng 60.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Lãi suất cho vay bằng VND dành cho xuất khẩu sẽ ở mức 11% (so với mức lãi suất cho vay bình quân 13% và mức lãi suất huy động khoảng 11% hiện nay), còn lãi suất dành cho khu vực nông thôn ở mức 12%. Lãi suất cho vay ngoại tệ khoảng 4%/năm.

Eximbank dành 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu, với lãi suất ưu đãi 12%/năm. ACB, Sacombank cũng dành vốn giá rẻ để ưu tiên cho các đối tượng khách hàng này, với lãi suất cho vay thỏa thuận khá ưu đãi, dao động từ 11 - 12,5%/năm.

LienVietBank, ngân hàng tự nhận có lãi suất cho vay thấp nhất (sau khi vừa giảm đồng loạt ở các kỳ hạn) thì cũng là 12%/năm, áp dụng với kỳ hạn ngắn, dưới 3 tháng. Ở các kỳ hạn khác, dưới 1 năm, lãi suất là 12,5%/năm, còn ở kỳ hạn trung và dài, lãi suất áp dụng cho đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Ngân hàng là 13,2%/năm.

Các ngân hàng đều muốn hạ lãi suất cho vay để tăng dư nợ tín dụng, góp phần vào phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Để làm được điều đó, ngân hàng phải hạ lãi suất huy động, nhưng phải tăng được lượng vốn huy động. Đây là một mâu thuẫn trong bối cảnh lạm phát kỳ vọng cao như hiện nay. Vì thế, mặt bằng lãi suất khó có thể được hạ thấp hơn, điều đã được không ít người dự đoán trước đó.