Lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cũng như online tháng 11 tiếp tục giảm

Lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cũng như online tháng 11 tiếp tục giảm

Lãi suất khó giảm mạnh thêm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tháng 11 tiếp tục được điều chỉnh giảm và được dự báo còn dư địa giảm thêm, nhưng sẽ khó giảm mạnh.

Mặt bằng lãi suất tháng 11 tiếp tục giảm

Tháng 11/2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm thêm so với các tháng trước đó. Tương tự, lãi suất gửi tiết kiệm online tháng 11/2020 cũng được điều chỉnh giảm so với tháng 10/2020 tùy từng kỳ hạn.

Đơn cử, tại 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là VietinBank, Vietcombank và BIDV, biểu lãi suất tiết kiệm gửi theo hình thức online tháng 11 được điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn 1 tháng và 24 tháng.

Cụ thể, tại Vietcombank, gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng có mức lãi suất là 3,1%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm và là mức thấp nhất trong 3 ngân hàng.

BIDV thì có mức giảm mạnh nhất ở cùng kỳ hạn 1 tháng, từ mức 4,1%/năm của tháng 10 về mức 3,3%/năm trong tháng 11, tức giảm 0,8 điểm phần trăm. Ở kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,8%/năm trong tháng 11, nhưng vẫn giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 10.

Cá biệt, VietinBank áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với gửi tiết kiệm thông thường tại các kỳ hạn từ 6-12 tháng.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, VIB gây “sốc” khi đưa ra mức lãi suất gửi tiết kiệm online tháng 11 chỉ là 0,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, giảm tới 3,8%/năm so với tháng 10.

Cũng tại kỳ hạn 1 tháng, chỉ một số ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 4%/năm là Viet Capital Bank, Eximbank, SCB, Vietbank…, còn lại đa phần áp dụng mức dưới 4%/năm.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư tại Dragon Capital đưa ra nhận định, so với lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện vẫn thực dương. Theo ông Tuấn, lạm phát hiện nay của Việt Nam không phải là vấn đề đáng lo như giai đoạn khủng hoảng 2008, cho nên dư địa giảm lãi suất vẫn còn, song vấn đề ở đây là giảm loại lãi suất nào.

Ông cho biết, hiện tại, lãi suất thị trường liên ngân hàng đã tiệm cận mức 0%. Với thanh khoản hệ thống tốt và lãi suất trái phiếu chính phủ đã xuống mức rất thấp, đơn cử kỳ hạn 5 năm lãi suất chỉ là 1,25%/năm, nên dư địa để giảm tiếp lãi suất trên thị trường này là không nhiều.

Đối với lãi suất thị trường 1 (lãi suất tiết kiệm dân cư), lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng hiện ở mức 4-6%/năm, trong khi cách đây 1 năm dao động quanh mức 5,5-7,5%/năm, nên còn dư địa giảm trong thời gian tới.

“Duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp với thanh khoản dồi dào sẽ giúp cho các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, lãi suất huy động cũng có thể giảm thêm, dù không nhiều như 9 tháng đầu năm.

“Theo kế hoạch, lạm phát năm nay được kiểm soát dưới 4%, cán cân thanh toán tiếp tục trong trạng thái thặng dư, trực tiếp tạo nguồn cung ngoại tệ để ổn định tỷ giá và hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Với mặt bằng huy động của ngân hàng nhóm dẫn đầu hiện khoảng 5%/năm và nhóm 2 vào khoảng 6%/năm, cho nên lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,3-1 điểm phần trăm trước khi đi vào trạng thái ổn định kéo dài”, ông Tuấn nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sau nhiều lần điều chỉnh giảm cả lãi suất huy động và cho vay, song mặt bằng lãi suất hiện vẫn cao so với “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất hiện nay không dễ dàng bởi chi phí đầu vào và lạm phát vẫn ở mức tương đối cao.

“Muốn giảm mạnh lãi suất cho vay thì cần giảm tỷ lệ lạm phát từ mức khoảng 4% như hiện tại xuống mức 2%, song điều này gần như bất khả thi trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam khó có thể giảm sâu thêm, cho dù đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực”, ông Hiếu phân tích.

Giảm lãi để kích cầu tín dụng cuối năm

Hiện nay, dù chưa thể giảm sâu, song các ngân hàng đều đưa ra các gói cho vay lãi suất ở mức dễ chịu, từ 5-7%/năm.

Đơn cử, HDBank vừa thông báo giảm lãi suất của gói Swift SMEs xuống chỉ từ 6,2%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, giá trị gói vay là 5.000 tỷ đồng.

Vietcombank hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm với mức lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 5,9%/năm.

Tương tự, Agribank giảm thêm 0,3%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với kỳ hạn ngắn tối đa ở mức 4,5%/năm (mức trần theo quy định); kỳ hạn trung và dài tối thiểu là 7,5%/năm. Đồng thời, Agribank đang triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp FDI với mức lãi suất vay ngắn hạn thấp nhất là 4,8%/năm.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Shinhan Việt Nam nhìn nhận, với xu hướng lãi suất đi xuống, cơ cấu vốn cá nhân vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới. Ông cho biết, hiện nay, lãi suất cho vay cá nhân của Ngân hàng cũng đã giảm.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, có sự gia tăng tốc độ giải ngân vốn ở nhóm ngân hàng cổ phần tính đến cuối quý III/2020 (tăng 5,3% so với quý trước và tăng 12,9% so với đầu năm).

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm. Để cải thiện tăng trưởng tín dụng cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều dự báo về khả năng các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.

Thông tin từ cơ quan này cho biết, tính đến 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,79 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%). Với đà tăng này, tín dụng được dự báo sẽ đạt khoảng 10% trong năm nay.

Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố cho thấy, 54,6% tổ chức tín dụng đánh giá tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2020 tiếp tục cải thiện so với năm 2019 và mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm thêm 0,1%/năm trong quý IV/2020.

Lãi suất giảm dần sẽ là điều kiện tác động tích cực lên găng trưởng tín dụng. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay có thể đạt 10-11%. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội giao ở mức 6%, theo TS. Lực, tín dụng 2021 tăng từ 10-15% là phù hợp.

Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Anh Tuấn đánh giá, đa phần doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch, nên sức hấp thụ vốn trước mắt khó có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, cầu vốn sẽ tăng trở lại.

“Chúng ta không nên kỳ vọng tín dụng tăng cao trong bối cảnh thị trường còn có khó khăn vì tác động của Covid-19 như hiện nay. Kỳ vọng tín dụng năm sau sẽ cải thiện hơn so với năm nay, khi nền kinh tế bật tăng mạnh trở lại”, ông Tuấn nói.

Tin bài liên quan