Công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, lãi suất cho vay vẫn ổn định. Nhưng liệu từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay sẽ diễn biến ra sao vẫn là vấn đề được người cần vốn quan tâm, nhất là đối với doanh nghiệp trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng phấn đấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp và người cần vốn. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại, nên việc ổn định mặt bằng lãi suất đã là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, năm nay, lãi suất tiền đồng khá ổn định. Một phần do tỷ giá được kiểm soát. Đồng thời, để đạt được mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động, NHNN đưa tiền, hút tiền đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở mức phù hợp, nhằm hạn chế các ngân hàng quay ra huy động thị trường 1 để đẩy lãi suất tăng lên.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hồng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ sử dụng các công cụ để cố gắng ổn định lãi suất thị trường. NHNN cũng đã ban hành các chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các NHTM nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia tài chính - tiền tệ, lãi suất huy động có thể có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, do ngân hàng tăng cường huy động vốn thị trường 1 để cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Mặt khác, các chuyên gia tài chính cho rằng, theo quy định mới của NHNN, năm 2017, các NHTM phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều nhà băng đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nên phải tăng lãi suất huy động VND nhằm thu hút thêm vốn, kéo giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn.
Cụ thể, nhiều ngân hàng cho vay dài hạn, chủ yếu là cho vay đầu tư dự án bất động sản, chiếm gần 80% vốn ngắn hạn, nên phải tăng cường huy động vốn để kéo giảm tỷ lệ này xuống. Thậm chí, có ngân hàng lo đến năm 2017 không kéo giảm được tỷ lệ sử dụng vốn theo quy định, nên đã hạn chế cho vay bất động sản nhằm kìm hãm việc dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Vì thế, chi phí huy động vốn đầu vào khó giảm, nên lãi suất cho vay ra không thể đi xuống như kỳ vọng của thị trường.
Gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) liên tục giảm. Có ý kiến cho rằng, đây là điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế), từ đó giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho rằng, lãi suất trên thị trường 2 không tác động đến thị trường 1 do hai mục tiêu thị trường này khác nhau.
Theo ông Lực, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức 4 - 4,5%, mà trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đang là 5,5%/năm, nếu hạ thấp quá, người dân sẽ không gửi tiền. Tuy thanh khoản các ngân hàng đang khá tốt, nhưng không phải quá dồi dào, vì hiện nay, chỉ số LDR (tỷ lệ cho vay trên huy động vốn) bình quân hệ thống khoảng 86%. Đó là mức khá hơn thời gian trước, nhưng điều đó không có nghĩa là các ngân hàng thừa tiền quá nhiều, mà đang ở mức vừa phải. Mặt khác, nợ xấu còn tồn đọng nhiều, lại chưa có phương án xử lý triệt để, nên ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng cho phần nợ xấu bán cho VAMC… Vì vậy, xét tất cả những yếu tố trên, rõ ràng lãi suất sẽ không thể giảm một cách đại trà.