Cạnh tranh lãi suất huy động
Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện không chỉ các nhà băng nhỏ mà ngay cả ngân hàng quy mô cũng phải cạnh tranh gay gắt về huy động vốn, nhất là đối với các khoản tiền lớn.
Chị Ngọc Quyên (quận 1, TP.HCM) cho biết, mới đây chị có vài tỷ đồng từ chuyển nhượng một căn nhà và yêu cầu người mua chuyển vào tài khoản thanh toán tại Vietcombank. Khi khoản tiền trên vừa được chuyển vào tài khoản, nhân viên Vietcombank lập tức mời chị gửi tiết kiệm.
Do chị Quyên muốn linh động khoản vốn này nên còn chần chừ, nhưng cô nhân viên ngân hàng cho chị biết, cứ chuyển vào tài khoản tiết kiệm khi nào cần sẽ rút ra và tính lãi suất không kỳ hạn, với mong muốn được hoàn thành chỉ tiêu của phòng giao dịch trong tháng.
Các nhà băng uy tín như Vietcombank luôn có lợi thế trong huy động tiền gửi tiết kiệm, nhưng cũng phải cạnh tranh khá khốc liệt, do lãi suất tiết kiệm ngân hàng lớn thấp hơn khoảng 1 - 2%/năm so với các nhà băng quy mô nhỏ. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ càng phải cạnh tranh gay gắt hơn trong huy động tiết kiệm. Hiện lãi suất huy động tiền gửi ở một số ngân hàng nhỏ đã nhích thêm 0,2%/năm so với 2 tháng trước ở các kỳ hạn dài ngày.
Chẳng hạn, tại Viet Capital Bank áp dụng mức lãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 15 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Tương tự ở VietA Bank, lãi suất huy động kỳ hạn dài 13 - 15 tháng lãi suất ở mức 7,8 - 8,1%/năm. Còn với SCB, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13 tháng là 8,1%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên.
Nhưng điều đáng quan tâm ở đây là tại một số ngân hàng, để cạnh tranh trong thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, đã cho phép khách hàng được phép rút một phần vốn gửi tiết kiệm trong sổ hưởng lãi suất không kỳ hạn cho phần rút trước hạn.
Phần còn lại vẫn được duy trì mức lãi suất ban đầu cho đến ngày tất toán, nhằm tạo điều kiện linh hoạt đồng vốn cho khách hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng còn tặng thêm lãi suất khi khách hàng gửi tiết kiệm online, như PVcomBank tặng thêm 0,2%/năm lãi suất.
Một số ngân hàng cũng bắt đầu tăng lãi suất kỳ hạn dài. VPBank đã quyết định tăng lãi suất kỳ hạn 24 - 36 tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm, đưa mức lãi suất niêm yết lên 7,5 - 7,6%/năm trong ngày 13/7. NCB, Eximbank, OCB... công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất lên tới 7,9 - 8%/năm.
Thực tế cho thấy, không nhiều ngân hàng dư thừa thanh khoản để có thể hạ lãi suất huy động, trong khi vẫn biết phải cạnh tranh lãi suất cho vay mới giành được thị phần tín dụng.
Đặc biệt là sau khi NHNN công bố giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành và 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao kể từ ngày 10/7, các ngân hàng đều đưa ra chương trình giảm lãi suất cho vay.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, kể từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%, đồng thời nâng hệ số rủi ro đối với các khoản kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung và dài hạn, giảm ngắn hạn nhằm cơ cấu lại nguồn đã cho vay. Do đó, đây là thời điểm một vài nhà băng tập trung hút vốn trung dài hạn bằng cách tăng lãi suất dài và giảm lãi suất ngắn để cân đối nguồn vốn.
Trong khi phải giảm lãi vay?
Trái ngược với xu hướng lãi suất huy động tăng, nhất là ở kỳ hạn dài thì lãi suất cho vay của các ngân hàng đang từng bước điều chỉnh giảm ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn.
Viet Capital Bank dành 600 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Eximbank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với lĩnh vực, ngành kinh tế được ưu tiên; VietinBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm; BIDV giảm từ 0,5-1%/năm cho các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên...
Cùng với việc giảm lãi suất, các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay, nhất là đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Trên thực tế, chủ sở hữu doanh nghiệp siêu nhỏ thường có xu hướng vay tín dụng cá nhân để phục vụ mục đích kinh doanh.
Với cách này, cửa cho các doanh nghiệp sẽ rộng hơn bởi với cá nhân, ngân hàng không quá khắt khe về hồ sơ, thủ tục. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chịu thiệt thòi khi khoản vay này không được tính vào chi phí vận hành, được khấu trừ một khoản thuế thu nhập do vay dưới danh nghĩa cá nhân.
Nhưng hiện một số ngân hàng dường như thấu hiểu hơn nỗi khổ của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên đã “mở hầu bao” bằng cách đưa ra các gói ưu đãi tín dụng dành riêng cho đối tượng này. Chẳng hạn như gói tín dụng “Đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ” của BIDV với ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm.
Gói ưu đãi vay “Linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng” của PVcomBank triển khai từ đầu năm 2017 được cho là một lựa chọn khá hấp dẫn, giúp doanh nghiệp siêu nhỏ không bị tuột mất cơ hội kinh doanh đang có trong tay.
Một lãnh đạo của PVcomBank cho hay, với tổng hạn mức gói lên đến 1.500 tỷ đồng, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm.
Qua đó cho thấy, các ngân hàng đang phải nỗ lực giảm lãi suất để khơi thông được nguồn vốn tín dụng, trong khi chi phí đầu vào khó giảm. Vậy phải chăng biên lợi nhuận của các ngân hàng đang ở mức cao nên các ngân hàng sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận?
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, hiện tỷ suất biên lợi nhuận (NIM – Net Interest Margin) của toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ ở mức 2,8%, thấp hơn so với con số khoảng 3,2% của thị trường Thái Lan và khoảng 5,5% của thị trường Indonesia.
Vì vậy, khó có chuyện các ngân hàng lại chấp nhận giảm NIM để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh các ngân hàng vẫn phải gồng mình để chi trả lãi cho các khoản huy động nhưng lại không thu được lãi từ các khoản cho vay tương ứng do đã phát sinh thành các khoản nợ xấu. Do đó, có thể thấy, không nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi lãi vay.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lạm phát kỳ vọng năm nay khá thấp. Vì thế, đáng ra NHNN nên có quyết sách điều chỉnh trần lãi suất huy động đầu vào rồi mới điều chỉnh lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, NHNN không muốn điều chỉnh lãi suất đầu vào vì sợ rằng, tiền sẽ chảy sang các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản. Điều này gây rủi ro và khó huy động vốn cho ngân hàng trong bối cảnh huy động vốn của ngân hàng chưa tốt trong 6 tháng đầu năm.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. Trong khi, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 6 tăng 9,06% so với cuối năm trước, nhưng được cho là không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất chỉ áp dụng với các khoản tín dụng ký mới từ nay trở đi, và chỉ áp dụng giảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Thực tế, hiện nay tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 47 - 48% tổng dư nợ nền kinh tế. Mặt khác, tín dụng toàn nền kinh tế được dự báo tăng nhanh vào những tháng cuối năm nên sẽ gây áp lực tăng lãi suất.