Quan chức Fed cho biết, nếu các dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục được củng cố là điều kiện thích hợp để sớm thực hiện một bước tiếp theo trong việc thoát khỏi chính sách nới lỏng hiện tại.
Giới quan sát coi đó là chỉ báo cho động thái tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách sắp tới. Hiện tỷ lệ đặt cửa trên thị trường đang ủng hộ khả năng tăng lãi suất của Fed cho lần tiếp theo trong tháng 12/2018.
Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất USD, theo giới phân tích, sẽ góp phần tác động đẩy lãi suất VND tăng cao hơn trong thời điểm cuối năm nay. Theo một chuyên tài chính, việc USD trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VND để tránh việc khách hàng rút tiền đồng đầu cơ vào USD.
Mặt khác, thời điểm cuối năm, nhu cầu thanh khoản của các nhà băng luôn cao để đáp ứng cầu vốn của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, khi cuối năm vốn là mùa mùa kinh doanh cao điểm.
Thực tế, thời gian gần đây, lãi suất huy động của một số ngân hàng đã nhích tăng 0,1-0,2%/năm tùy từng kỳ hạn. Chẳng hạn, tại VPBank, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân trong đầu tháng 11 đã tăng 0,1%/năm so với mức lãi suất của tháng 10.
Tại OCB, từ ngày 10/11, biểu lãi suất thay đổi theo hướng tăng 0,1-0,2%/năm tại một số kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại OCB là 7,7%/năm áp cho kỳ hạn 36 tháng. Tại Viet Capital Bank và VietA Bank, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên cộng thêm nhiều khuyến mãi khác.
Tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, lãi suất huy động cũng tăng. Đơn cử, tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng dao động từ 4,5-5%/năm; 6 tháng ở mức 5,5%/năm và từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,8-6,9%/năm.
Một số điểm giao dịch của BIDV còn có chương trình khuyến mại riêng cho khách gửi tiền tuỳ thuộc nhu cầu kinh doanh của chi nhánh. So với Vietcombank, mức lãi suất huy động của BIDV cao hơn 0,1-0,3 điểm phần trăm và được đánh giá hấp dẫn nhất trong nhóm này.
Việc lãi suất tăng trong tháng 11 và 12 hàng năm mang tính thời vụ bởi các ngân hàng thường đẩy mạnh hút tiền nhàn rỗi trong thời điểm này để sẵn sàng nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp dịp kinh doanh cao điểm cuối năm cũng như đầu năm mới.
Tuy nhiên, cũng bởi lãi suất ở các ngân hàng liên tục đi lên kể từ tháng 9 tới nay, kết hợp với lãi suất liên ngân hàng tăng cao còn phản ánh một khía cạnh khác, đó là thanh khoản của hệ thống có biểu hiện căng thẳng, dù các nhà băng khẳng định dồi dào. Điều này được thể hiện rõ ở hoạt động điều tiết nguồn tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua khi cơ quan quản lý liên tục bơm ròng vốn ra thị trường.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần từ 5-11/11, NHNN đã bơm mới 52.658 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO), trong khi lượng vốn đáo hạn đạt 34.000 tỷ đồng. Với kênh tín phiếu, cơ quan này không phát hành mới bởi lượng vốn đáo hạn không nhiều, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng hợp cả 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 20.659 tỷ đồng vào thị trường.
Cùng với cầu vốn cuối năm gia tăng, các nhà băng đang phải chạy đua huy động, nhất là ở các kỳ hạn dài, để cân đối lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40% bắt đầu từ ngày 1/1/ 2019. Đây là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dài.
Giới chuyên gia nhận định, khả năng lãi suất huy động sẽ tiếp tục nhích tăng đến đầu năm 2019, nên lãi suất cho vay sẽ khó giảm. Hiện lãi suất cho cá nhân vay mua nhà được một số nhà băng áp dụng theo lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cộng thêm biên độ 2-2,5%/năm, tức khoảng 11-11,5%/năm, cao hơn từ 1,5-2% điểm phần trăm so với thời điểm đầu năm 2018.
"Trong thời gian tới, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất là không dễ dàng bởi mặt bằng lãi suất huy động đang trong xu hướng tăng, nhất là khi khả năng cao Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất USD trong tháng 12 tới, gây sức ép lên lãi suất VND. Dù vậy, mức tăng sẽ không lớn, vào khoảng dưới 0,5%/năm", TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.