Lãi suất huy động đã tăng khoảng 3 - 4%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng

Lãi suất huy động đã tăng khoảng 3 - 4%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại tệ, tỷ giá bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện hơn.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết cho biết tại cuộc họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 15/12.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số Ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm.

“Một số NHTM điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay”, ông Hùng nói.

Trước tình hình đó, ngày 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các Ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau cuộc họp này, Hiệp hội Ngân hàng đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1 - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)… Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện đã tăng khoảng 3 - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Đại diện các ngân hàng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm.

Thứ nhất, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào NHTM cổ phần quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn nhà nước), chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản;

Thứ hai, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Các NHTM có quy mô vừa và nhỏ buộc phải thực hiện giao dịch tiền tệ có tài sản đảm bảo như giấy tờ có giá để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên, khối lượng giấy tờ có giá sẵn có để phục vụ cho nhu cầu trên không nhiều.

Thứ ba, áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%) - dẫn đến các NHTM đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định. Mặt khác, đối với tài khoản vốn chuyên dùng của khách hàng, đây là nguồn tiền tương đối ổn định, bền vững, nhưng theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN không được tính vào tổng tiền gửi phục vụ cho việc tính tỷ lệ LDR (Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi).

Thứ tư, các NHTM tham gia thị trường liên ngân hàng không nắm bắt được thông tin của NHTM tham gia, do vậy không có thông tin đánh giá ngân hàng đối tác, để cân nhắc, ra quyết định cho vay/gửi tiền tại NHTM khác, dẫn đến có thời điểm một số NHTM gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản.

Theo ông Hùng, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các NHTM đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các TCTD, NHTM hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm (đã bao gồm các khoản khuyến mại);

Đồng thời, các TCTD, đặc biệt là các TCTD đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung (30 TCTD) căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi TCTD, tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước.

Tin bài liên quan