Lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng
Mặt bằng lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng hiện nay vẫn cơ bản ổn định, song tiền gửi với các kỳ hạn dài, nhất là kỳ hạn 3-5 năm đang được các ngân hàng điều chỉnh tăng khá mạnh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đua tranh ra mắt các sản phẩm với lãi suất hấp dẫn để hút vốn.
Ngày 15/3 vừa qua, Sacombank công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi, áp dụng cho khách hàng cá nhân có khoản tiền gửi từ 10 triệu đồng trở lên. Theo đó, khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm +1 ngày hoặc 7 năm sẽ nhận được lãi suất 8,48% đến 8,88%/năm.
Sở dĩ lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng là do các ngân hàng phải tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Trước đó, VPBank cũng điều chỉnh lãi suất với chứng chỉ tiền gửi, áp dụng từ ngày 9/3. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 5 năm lên tới 9,2%, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên. Lãi suất áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng cao nhất là 7,8% và kỳ hạn 36 tháng là 8,1%, cao hơn 0,6-0,7% so với biểu lãi suất tiền gửi thông thường.
Không chỉ VPBank, Sacombank, hàng loạt ngân hàng cũng chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất cao để hút tiền gửi kỳ hạn dài, đẩy lãi suất huy động kỳ hạn từ 36 tháng trở lên của nhiều ngân hàng lên mức trên 8%/năm, mức cao nhất trong mấy năm trở lại đây.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, sở dĩ lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng là do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Hiện tỷ lệ này là 50% (áp dụng từ đầu năm 2017), nhưng sẽ chỉ còn 40% vào đầu năm 2018. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 39/2017/TT-NHNN chính thức cởi trói cho lãi suất cho vay trung, dài hạn cũng được coi là yếu tố đẩy lãi suất đi lên.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc ngân hàng vẫn dồn vốn cho vay bất động sản - thường là kỳ hạn dài - cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất khó giảm.
Thanh khoản: không thiếu, cũng chẳng thừa
Theo báo cáo của NHNN, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng thông suốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thực tế, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của toàn hệ thống không quá chênh lệch. Tính đến ngày 20/2/2017, tổng số dư tiền gửi tăng 1,03%, trong khi tín dụng tăng 1,23%.
Mặc dù các ngân hàng đều khẳng định thanh khoản dư thừa, song mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn có dấu hiệu tăng, cho thấy thanh khoản không quá dư thừa.
Tuần qua, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh. NHNN cũng ngừng phát hành tín phiếu để hút tiền về, mà còn bơm ròng ra hệ thống gần 11.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Động thái này của NHNN khiến Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI tỏ ra lo ngại về thanh khoản của hệ thống.
“Nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh hơn huy động trong những tháng tới, thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục suy giảm và hệ quả là lãi suất sẽ khó có thể giữ ở mức thấp”, chuyên gia phân tích của SSI cảnh báo.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thừa nhận, giảm lãi suất là một mục tiêu rất thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2017. Trước hết, xu hướng bảo hộ thế giới đang tăng, đồng nghĩa với xuất khẩu nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, USD có xu hướng lên giá, đang gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá, từ đó tác động ngược tới lãi suất.
Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng lớn cho rằng, lãi suất cho vay sắp tới sẽ có sự phân hóa mạnh. Theo đó, lãi suất cho vay với những doanh nghiệp hiệu quả, có lịch sử tín dụng tốt vẫn sẽ ở mức thấp. Ngược lại, lãi suất cho vay với các doanh nghiệp còn lại và lãi vay tiêu dùng có khả năng sẽ tăng cao hơn trong năm 2017.