Giảm thêm lãi vay khi chi phí huy động chạm đáy
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Do đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị số 01 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN xác định điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
NHNN đã có công văn ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân… chậm nhất kể từ ngày 23/2.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, lãi suất huy động, cho vay phải phù hợp với tỉ suất lợi nhuận chung của nền kinh tế.
"Lãi suất huy động hiện đã giảm, song giảm thấp quá cũng không phải là hay. Lãi suất cho vay đã giảm chưa, giảm như thế nào. Đề nghị các ngân hàng nêu nguyên nhân chưa công bố lãi suất cho vay bình quân", Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Các chuyên gia từ SSI Research cho rằng vẫn còn dư địa để NHNN thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024, tập trung vào lãi suất cho vay.
Tại "Báo cáo chiến lược 2024: Chờ vượt Vũ môn" SSI Research vừa công bố, công ty chứng khoán này nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm 2024, vẫn từ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong nước, những rủi ro chính đối với Việt Nam là nợ xấu gia tăng từ nửa cuối năm 2024, với khả năng không trả nợ đúng hạn tăng cao đối với các lĩnh vực có rủi ro như bất động sản/xây dựng. Rủi ro này có thể được giảm thiểu một phần nhờ lãi suất ở mức thấp hoặc nếu Chính phủ thành công trong việc phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn tài chính dài hạn hơn để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và trung hạn.
Với thách thức bên ngoài, phân mảnh địa kinh tế và nguy cơ suy thoái về các yếu tố bên ngoài, độ trễ của chính sách tiền tệ với mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể dẫn đến tác động lớn và xấu hơn mong đợi đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong kịch bản xấu, suy thoái kinh tế có thể không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà có thể kéo dài luân phiên, từ ngành này sang ngành khác, từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác, chứ không phải là một cuộc suy thoái toàn diện.
Vì vậy, SSI Research dự báo, các chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ được NHNN kéo dài thêm một năm nữa khi tăng trưởng được coi là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, với vấn đề lãi suất, SSI Research cho rằng, còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024. Nguyên nhân là hoạt động kinh tế vẫn chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc 2024 sẽ là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia SSI, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh, dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng cuối năm 2024 khoảng 5,5%, tăng 0,5% so với 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 0,5-1% trong nửa đầu năm 2024.
Lãi suất giảm tín dụng vẫn khó tăng
Thế nhưng, các ngân hàng cho hay, lãi suất cho vay không còn là rào cản đối với người cần vốn trong bối cảnh sức cầu thị trường yếu hiện nay, đầu ra sản phẩm hạn chế nên doanh nghiệp không biết vay để làm gì. Còn với tín dụng cá nhân, cả cho vay mua nhà và tiêu dùng khó tăng trưởng khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ giảm.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách lãi suất cho vay thấp so với mặt bằng chung của thị trường, thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, tín dụng nhà băng này cũng giảm 19.000 tỷ đồng đối với bán buôn và 11.000 tỷ đồng đối với tín dụng bán lẻ trong tháng đầu năm 2024. Do đó, để kích cầu tăng trưởng cho vay trong thời gian tới, nhà băng này cho biết, sẽ tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi vay.
Phó tổng giám đốc Techombank Phạm Quang Thắng cho hay, lãi suất đã và đang giảm dần, cả với lãi suất cho vay nên không còn là rào cản đối với người cần vốn mà quan trọng là đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua còn yếu. Trong khi đó, về lãi suất, tại Techcombank đã hạ lãi suất cho vay đáng kể trong năm 2023. Đến nay, lãi suất cho vay bình quân tại Techcombank vào khoảng 8%/năm đối với các doanh nghiệp và 9%/năm đối với khách hàng cá nhân.
Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho rằng, lãi suất chưa hẳn là vấn đề đối với người đi vay, khi mặt bằng lãi suất (gồm huy động và cho vay) đã giảm về mức trước dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng này cũng tiếp tục đẩy mạnh các gói hỗ trợ, như gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay cá nhân, đẩy mạnh xuất khẩu với lãi suất ưu đãi ở mức thấp tối đa 2,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường tại Agribank. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này trong tháng 1/2024 cũng chỉ mới tăng trưởng được gần 1% trong bối cảnh tín dụng toàn ngành ngân hàng giảm.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm cũng là bình thường khi nhu cầu vốn chưa cao. Còn mặt bằng lãi suất hiện nay đang rất thấp, nhiều ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất chỉ có 5,9%/năm, vậy nên, lãi suất không còn là vấn đề “đau đầu” như những năm trước đây.
Cũng theo ông Vinh, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm nay và tháo gỡ các khó khăn, đề nghị NHNN tiếp tục làm đầu mối hỗ trợ để đưa các quy định về thu hồi nợ tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sớm đi vào thực tiễn.
"Rất tiếc là các kết quả tại Nghị quyết 42 về thu giữ tài sản bảo đảm không được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) này. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, đặc biệt liên quan đến nhà đất và dư nợ của các doanh nghiệp", ông Vinh nói thêm.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đã có chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng "đen".
Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó có chương trình tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; Phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu của chính sách tiền tệ có thể vẫn tiếp tục hướng tới các đối tượng cụ thể, ngành nghề ưu tiên… trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý (14 - 15%) năm nay, nhằm đạt được mức tăng trưởng tối ưu và tiềm năng nợ xấu gia tăng, đồng thời kiềm chế lạm phát. Việc lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo dư địa rộng rãi hơn cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm trong thời gian tới, đồng thời các ngân hàng phải công khai lãi suất cho vay bình quân cả với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bởi Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng. Việc này nhằm tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng. Dù NHNN không có chế tài nhưng dư luận xã hội sẽ giám sát việc công khai lãi suất cho vay.