Lãi suất huy động dù tăng nhưng vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử

Lãi suất huy động dù tăng nhưng vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử

Lãi suất huy động còn tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng trở lại, với mức cao nhất hiện nay là 6,2%/năm, song chỉ ở kỳ hạn dài. Để giữ dòng tiền nhàn rỗi ở lại ngân hàng, các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 1%/năm.

Ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất tiết kiệm

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, VIB đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động. Ngày 4/5, nhà băng này tăng thêm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 2 - 5 tháng và 15 - 18 tháng. Tiếp đó, ngày 8/5, VIB tăng 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 2 - 11 tháng. Mới đây, Ngân hàng nâng lãi suất huy động trực tuyến tại kỳ hạn 1 tháng thêm 0,3%/năm, lên mức 2,8%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng thêm 0,1%/năm, lên 3,1%/năm, các kỳ hạn khác được giữ nguyên. Hiện lãi suất huy động cao nhất đang được VIB áp dụng là 5,1%/năm, dành cho khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 24 - 36 tháng.

Ngày 20/5 vừa qua, HDBank đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 15 - 18 tháng, vượt 6%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi thông thường của HDBank là 6,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Kỳ hạn 1 - 3 tuần tại Ngân hàng có lãi suất huy động không đổi ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn 1 - 5 tháng lãi suất tăng từ mức 2,95%/năm trước đó lên 3,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,6%/năm lên 4,9%/năm, kỳ hạn 7 - 11 tháng tăng từ 4,4%/năm lên 4,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5%/năm lên 5,3%/năm, kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,5%/năm; kỳ hạn 15 tháng tăng từ 5,8%/năm lên 6,1%/năm; kỳ hạn 24 - 36 tháng giữ nguyên ở mức 5,5%/năm.

Tại Nam A Bank, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,3%/năm cho khoản gửi online kỳ hạn 36 tháng, tuy nhiên, số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên và cần được Tổng giám đốc Ngân hàng phê duyệt. Còn kỳ hạn từ 18 tháng đến dưới 36 tháng được hưởng lãi suất 5,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm khi gửi tiền tại quầy của Nam A Bank, lĩnh lãi cuối kỳ trong tháng 5 dao động từ 0,5 - 5,4%/năm.

Trước đó, đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, gồm ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank và gần đây nhất là ngân hàng số Cake by VPBank.

Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất huy động chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, trong khi nhóm 4 ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tái tăng là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm nay (do lãi suất tiền gửi xuống sâu), trong khi tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Số liệu được Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi tín dụng nền kinh tế tăng gần 1,4% trong cùng mốc thời gian.

Trước thực trạng tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng từ 0,5 - 1%/năm, tuy nhiên, sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.

Thực tế, mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện ở mức rất thấp trong lịch sử, khi ở kỳ hạn dài 24 - 36 tháng, mức lãi suất chỉ nhỉnh 6%/năm.

Sẽ còn tăng thêm khoảng 1%/năm

Nếu so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng đầu năm 2024 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 3,93%), có thể thấy, lãi suất tiền gửi đang bị “ăn mòn” bởi lạm phát. Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhiều ngân hàng chỉ còn 4,5 - 5%/năm, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát trong năm 2024 là 4 - 4,5%.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và chắc chắn là đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Mặt khác, tín dụng thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, nên lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5 - 1%/năm trên các kỳ hạn khác nhau trong giai đoạn từ tháng 5 đến hết năm 2024.

MBS, VCBS cũng dự báo lãi suất huy động còn xu hướng tăng từ nay đến cuối năm 2024, với mức tăng 0,5 - 1%/năm. Dù dự báo lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nửa cuối năm, song giới phân tích đánh giá mức tăng không lớn khi tín dụng còn yếu.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm nay trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5 - 1%/năm từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed).

Các nhà phân tích tài chính cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên, gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm đến các kênh đầu tư tích lũy khác như bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy vậy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp và các kênh đầu tư nói trên chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường, do đó, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu. Theo vị chuyên gia này, việc hạ lãi suất hiện nay chưa thúc đẩy được nền kinh tế, trong khi lại đang tạo ra rủi ro cho tỷ giá. Lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Hiện Việt Nam áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới. Công cụ cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất điều hành vẫn chưa tăng, trong khi áp lực tỷ giá được nhận định vẫn chưa hết.

Từ đầu năm đến nay, VND mất giá gần 5% so với USD, ngang bằng dự báo cả năm 2024. Đây là yếu tố bất ổn khiến Ngân hàng Nhà nước phải đối phó nhiều nhất trong quý đầu năm. Chính vì áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu, gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Sau khi phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất OMO tăng từ 1%/năm lên khoảng 4%/năm.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, tỷ giá USD/VND nửa đầu năm nay vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như đồng Nhân dân tệ suy yếu, các yếu tố nội lực, nhu cầu trong nước trì trệ, tăng trưởng tín dụng thấp. Dự kiến tỷ giá sẽ giảm dần sau khi ngân hàng trung ương các nước lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn FDI tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá USD/VND có thể sẽ chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn trong việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện. Bình quân theo quý, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ giảm dần từ mức 25.090 trong quý II xuống 23.910 trong quý IV. Tỷ giá bình quân năm ở mức 24.700 VND/USD.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ, áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất này chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.

Tin bài liên quan