Lãi suất hạ, tín dụng vẫn khó tăng

Lãi suất hạ, tín dụng vẫn khó tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt mức tăng trưởng 9 - 10% trong năm nay. 

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất điều hành hai lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 5/2020, với tổng mức giảm là 100 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn và trần lãi suất cho vay trong lĩnh vực ưu tiên.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng dịch. Đồng thời, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều gói kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, dư nợ tín dụng của ngành đến nay mới chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4%, cho thấy vẫn còn ở mức tương đối thấp.

Vì vậy, theo TS. Trần Du Lịch, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm thêm lãi suất huy động (đầu vào), để làm căn cứ cho các ngân hàng thương mại giảm tiếp lãi suất đầu ra cho một số phân khúc khách hàng nhằm kích cầu tín dụng, tiêu dùng trong nước.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fullbright nhận định, thời gian qua, các nước có dư địa chính sách đã đồng loạt hạ lãi suất điều hành, trong đó có Việt Nam.

Ngành ngân hàng cũng đã nhanh chóng vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và cũng là để “tự cứu” chính mình. Vì thế, lãi suất khó tăng trong bối cảnh hiện nay, ngược lại khả năng sẽ còn xu hướng giảm.

Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, có hơn một nửa số ngân hàng tham gia đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm trong quý III và cả năm 2020.

Trong đó, các ngân hàng chiếm thị phần lớn trên thị trường đều kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tiếp. Bên cạnh đó, các nhà băng cho biết, sẽ tiếp tục giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do Covid-19.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng nửa đầu năm tăng thấp (3,26%) và dự kiến chỉ tăng 3,5% trong quý III.

Đến hết năm 2020, giới ngân hàng dự đoán tăng trưởng tín dụng khoảng 10,5% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 14% đề ra đầu năm.

Do tín dụng đầu ra kém, lãi suất huy động thấp dần, tất cả nhóm ngân hàng được khảo sát đều cho rằng, tăng trưởng huy động vốn của năm 2020 có xu hướng giảm.

Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,1% trong quý III/2020 và tăng 8,3% trong năm 2020. Bên cạnh đó, huy động vốn kỳ hạn trên 1 năm được dự báo tăng trưởng tốt hơn so với kỳ hạn dưới 1 năm.

Các ngân hàng có thị phần lớn dự báo, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm tiếp trong nửa cuối năm 2020. Trong hơn nửa đầu năm 2020, hệ thống ngân hàng đã liên tiếp giảm lãi suất huy động và có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm kích cầu tín dụng.

Cầu vốn vẫn thấp

Mặc dù lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm, song cầu về tín dụng của doanh nghiệp khó tăng cao. Cũng theo khảo sát của Vụ Dự báo, thống kê, dự báo trong quý III/2020, các hoạt động kinh tế trong nước hoạt động trở lại nhưng các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nên sẽ tiếp tục gây bất lợi tới triển vọng kinh doanh của ngành.

Trong bối cảnh này, vẫn có hơn 50% nhà băng dự kiến cải thiện được lợi nhuận so với quý II năm nay. Nhưng với tăng trưởng tín dụng, các dự báo đưa ra, khả năng chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%.

Trung tâm Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa phát hành báo cáo thị trường tiền tệ tuần 13/7- 17/7, theo đó cho rằng, nếu muốn đạt kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10% thì nửa cuối năm còn lại, tín dụng cần tăng tương đương nửa cuối 2019.

Theo đánh giá của SSI Research, tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng. Vì thế, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng.

Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp khu vực phía Nam, HSBC Việt Nam phân tích, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của thị trường giảm, kéo theo đầu ra của doanh nghiệp chậm lại.

Một khi đầu ra chậm sẽ tác động kéo theo vòng quay vốn chậm hơn, nên nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp cũng sẽ ít hơn trước đây.

Như vậy, khi nhu cầu vốn lưu động giảm sẽ kéo theo nhu cầu về vốn ngắn hạn giảm, nên tín dụng khó có thể tăng cao.

Cũng theo bà Oanh, với điều kiện thị trường hiện tại, hầu như các doanh nghiệp đều dừng lại các kế hoạch mở rộng đầu tư.

Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm để đầu tư và kỳ vọng tình hình sáng sủa hơn mới triển khai. Vì thế, nhu cầu về vốn đầu tư trung, dài hạn từ đó cũng sẽ giảm đi, từ đó tác động lên tăng trưởng tín dụng.

Từ quan sát thực tế, TS. Nguyễn Đức Thành - Chuyên gia kinh tế cấp cao cho rằng, sức cầu của nền kinh tế hiện nay giảm mạnh chính là nguyên nhân khách quan khiến tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng trưởng 3,26% trong 6 tháng đầu năm. Do đầu ra của sản phẩm, hàng hóa khó khăn nên doanh nghiệp không có nhu cầu về vốn.

Vì thế, theo TS Thành, ngành ngân hàng có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 10% sẽ phù hợp hơn với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như tốc độ tăng trưởng và giá lạm phát đang có nguy cơ tăng lên từ nay đến cuối năm.

Dự báo nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi trong những tháng cuối năm, song TS. Cấn Văn Lực cũng dự báo mức tăng trưởng tín dụng cả năm nay của ngành ngân hàng dự kiến ở 9 - 10%.

Tin bài liên quan