Chưa bao giờ các ngân hàng chạy đua giảm lãi suất cho vay như hiện nay. Ảnh: Đức Thanh
Tín dụng khó sớm tăng cao…
Tuy được cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay đầu năm, song các ngân hàng cho hay, trong hơn 3 tuần của tháng 1, tín dụng khó tăng cao, bởi những doanh nghiệp có nhu cầu nhập hoặc dự trữ hàng phục vụ Tết đã vay trong tháng cuối năm 2023. Các doanh nghiệp khác chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay khi sức mua khó tăng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định, tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, dù lãi suất giảm, doanh nghiệp cũng chưa biết vay để làm gì, nếu không có thêm giải pháp để kích cầu thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.
Ngay cả với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa ở lĩnh vực thiết yếu như Thành Thành Công, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn nhìn nhận, sức mua thị trường nội địa còn yếu, kể cả trong thời điểm cận Tết Nguyên đán. Do đó, để nền kinh tế hấp thu được 2 triệu tỷ đồng tín dụng năm nay, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thì doanh nghiệp mới vượt qua được giai đoạn khó khăn, gia tăng cầu vốn tín dụng.
“Sức tiêu thụ giảm kéo dài, hàng tồn kho tăng lên, sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong năm 2024, thì doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh, tăng quy mô hoạt động, nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thành nói và cho rằng, giải pháp kích cầu trong nước là giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng không nên giảm tiền thuế phải nộp, mà giảm qua voucher (phiếu mua hàng, phiếu quà tặng), để kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cũng cho rằng, bức tranh kinh tế thế giới năm 2024 chưa hết khó khăn khi tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông còn phức tạp, đẩy chi phí logistics của doanh nghiệp xuất khẩu lên cao. Thêm vào đó, sức mua thị trường chưa cải thiện sẽ là rào cản đối với việc đẩy mạnh tăng trưởng cho vay.
Thực tế, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 3 quý đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 6,9%, nhưng cả năm đạt 13,71%. Như vậy, chỉ trong quý cuối năm, tín dụng tăng đến 6,81%, gần bằng 3 quý đầu năm. Riêng trong tháng cuối năm, tín dụng đã tăng thêm 4,56%, nhảy vọt từ mức 9,15% vào cuối tháng 11/2023 lên 13,71%.
Ngay cả khi mặt bằng lãi vay giảm
So với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn về dưới 2%/năm. Có thể nói, chưa bao giờ ngân hàng chạy đua giảm lãi suất cho vay như hiện nay. Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà trong năm đầu từ 6,5 đến 8,5%/năm (BIDV áp dụng lãi vay từ 6,5%/năm, Vietcombank từ 6,7%/năm, Agribank từ 7%/năm và VietinBank từ 6,4%/năm).
Tinh thần chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng tích cực tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay còn cạnh tranh hơn. BVBank điều chỉnh lãi vay giảm 0,5 - 1%/năm, xuống còn 5%/năm và 6,5%/năm. VPBank cho vay với lãi suất 5,9%/năm, thời gian cho vay 25 năm. ACB áp dụng lãi vay mua nhà khoảng 7 - 8%/năm hoặc cố định 9%/năm trong 2 năm đầu tiên…
Thậm chí, Sacombank tăng nguồn vốn gói tín dụng tăng tốc sản xuất - kinh doanh dành cho doanh nghiệp lên đến 30.000 tỷ đồng, với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 -12 tháng, triển khai đến hết ngày 31/1/2024. Với cá nhân, ngân hàng này có gói tín dụng 45.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, mua xe ô tô, sắm sửa, đổi mới đồ dùng gia đình dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Thế nhưng, ông Hà Văn Trung, Phó tổng giám đốc Sacombank nhận định, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá thấp. Theo thông lệ, trong tháng Tết, sức hấp thụ vốn tốt, nhưng hiện vẫn khá chậm. Thực trạng này phù hợp với kết quả khảo sát tình hình kinh doanh quý I/2024 gần đây của Cục Thống kê TP.HCM, với chỉ 21,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 43,5% dự báo giữ ổn định và 34,6% cho là khó khăn hơn.
Đối với các ngân hàng nước ngoài, xuất hiện cuộc đua giảm lãi suất cho vay. UOB cho vay mua nhà với lãi suất 6%/năm; Shinhan Bank áp dụng lãi suất ưu đãi 6,6%/năm cố định 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tối đa là 70% cho kỳ hạn vay 30 năm; còn lãi suất cố định 1 năm có mức 6,8%/năm, cố định 2 năm là 7,4%/năm, 3 năm là 8%/năm...
Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho hay, tuy các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực triển khai, áp dụng nhiều công cụ và giải pháp, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, kể cả với lãi suất cho vay cá nhân, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu vay và năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, một số không đáp ứng được điều kiện vay, số khác có tâm lý trì hoãn hoặc không muốn vay vì e ngại rủi ro, kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thêm.
Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay năm 2023 đã giảm khoảng 2% so với năm 2022, về mức thấp hơn trước năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành đầu năm 2024 là yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, đơn giản thủ tục, hạ lãi suất cho vay.