Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Trước đó, thông tin được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối ngày 27/10, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra đầu năm là 14%, thì hơn hơn 3 quý mới thực hiện được một nửa.
Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, với mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2023 đạt 4,67%, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây, song theo ông Lệnh, điều này phù hợp với tình hình kinh tế chung hiện nay.
Kết thúc 3 quý đầu năm nay, tín dụng ở các ngân hàng có tăng trưởng, song phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng. Trong đó, có nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng được giao, song có ngân hàng mới đạt 3-4%.
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, với tín dụng/GDP lên tới 130% là quá cao. Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển, thì tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ ở mức 10%.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) hiện đã giảm so với đầu và giữa năm nay. Trong năm 2023, Agribank giảm lãi suất cho vay 3-4%. BVBank vừa tung ra gói tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, vay mua bất động sản , xây dựng, sửa chữa nhà… với lãi suất từ 6,5%/năm. ACB nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi giảm đến 3%.
Không chỉ khách hàng doanh nghiệp , mà với khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng “bơm” mạnh vốn giá rẻ cho vay, nhất là với nhu cầu mua nhà.
Cụ thể, từ giữa tháng 11/2023 đến hết ngày 31/12/2023, khách hàng cá nhân vay hiện hữu tại Nam A Bank được giảm lãi suất tối đa 2,8%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu. Nhưng điều kiện áp dụng là khách hàng không phát sinh nợ nhóm 2 tại Nam A Bank vào thời điểm giảm biên độ lãi suất cho vay. Còn tại BVBank, gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân vay linh hoạt với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
Theo ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của BVBank, gói vay ưu đãi này khách hàng có thể vay tới 15 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là bất động sản và thời gian vay lên tới 120 tháng.
TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, tuy lãi suất giảm, nhưng sức cầu tiêu thụ yếu, nên doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; còn khách hàng cá nhân cũng phải tính kỹ bài toán vay vốn mua nhà.
Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho hay, NHNN đặt mục tiêu cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất giảm trung bình của các ngân hàng thương mại khoảng 1-1,5%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của NHNN, mức lãi suất trung bình với những khoản cho vay mới giảm 2- 2,2%, tức là vượt kỳ vọng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, NHNN đã có sự điều hành linh hoạt về tín dụng, cả về phía cung lẫn phía cầu.
Về phía cung, từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.
Còn với phía cầu, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái.
Dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay là rất khó, song lãi suất cho vay tại các ngân hàng có thể giảm thêm để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế đang khó khăn.