Nhu cầu nhà ở của cá nhân được nhận định vẫn ở mức cao. Nhưng theo ông, hiện khách hàng đã sẵn sàng tiếp cận vốn ngân hàng hay còn kỳ vọng lãi suất giảm thêm?
Hiện nhiều chủ đầu tư cũng đã xây dựng các sản phẩm đánh đúng vào nhu cầu của khách hàng như dòng sản phẩm Ehome của Nam Long, với giá bán tương đối hợp lý. Như vậy, với những gia đình trẻ và những người có nhu cầu về nhà ở, nhưng chỉ có khả năng chi trả 30% bằng vốn tự có, phần còn lại sẽ được ngân hàng đáp ứng… cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mặt khác, hiện lãi suất cho vay mua nhà đã được cắt giảm về mức phù hợp hơn so với trước đây, với mức bình quân khoảng 11 - 12%/năm.
Liệu với mức lãi suất này có cạnh tranh được với gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, thưa ông?
Tôi nghĩ, không nên quá lo ngại về sự cạnh tranh này. Bởi gói vốn ưu đãi trên chỉ dành cho những khách hàng cá nhân có thu nhập thấp mua nhà ở. Mặt khác, 30.000 tỷ đồng so với thị trường và nhu cầu hiện nay của khách hàng cũng không phải lớn.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm nay và liệu lãi suất cho vay áp dụng cho người có nhu cầu về nhà ở có giảm thêm?
Nhu cầu cho vay mua nhà khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn kể từ quý II/2014, vì hiện giá bất động sản và lãi suất đã giảm về mức hợp lý hơn, đồng thời có khả năng lãi suất cho vay còn giảm thêm khoảng 1 - 2%/năm trong thời gian tới. Chính điều này sẽ kích thích nhu cầu về tín dụng nhà ở đối với phân khúc khách hàng cá nhân.
Gần đây, tín dụng DN gặp không ít khó khăn trước biến động của thị trường nên hầu hết ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân, tập trung nhiều vào phân khúc mua nhà. Nhưng thực tế, để người dân tiếp cận được vốn ngân hàng cũng không dễ, thưa ông?
Chủ trương và định hướng của ngân hàng là đi vào phân khúc bán lẻ, nên việc đẩy mạnh tín dụng cá nhân, trong đó tập trung vào cho vay mua nhà là đương nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, nợ xấu vẫn chưa dễ kiểm soát thì việc cho vay ra cũng phải được ngân hàng kiểm soát kỹ chất lượng tín dụng. Vì thế, dù chủ trương đẩy mạnh cho vay, nhưng vẫn phải tìm kiếm được khách hàng tốt, có khả năng trả nợ để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.
Tại OCB, chúng tôi cũng có hạn mức tín dụng tối đa cho một danh mục cho vay (mua nhà, tiêu dùng…). Vì thế, khi dư nợ tín dụng vượt ngưỡng cho phép, chúng tôi sẽ dừng lại để xem xét, đánh giá nhằm đảm bảo an toàn hoạt động. Có thể so với khách hàng DN, rủi ro đối với khách hàng cá nhân thấp hơn, nhưng ngược lại chi phí cho một khoản vay cá nhân và xử lý hồ sơ sẽ tốn kém hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy, khi tăng trưởng tín dụng khối DN có khó khăn hơn trước, các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh cho vay khối cá nhân, trong đó tập trung vào tín dụng nhà ở, tiêu dùng… Do đó, tôi cho rằng, nếu khách hàng đáp ứng được các điều kiện về tín dụng thì việc tiếp cận vốn vay không có gì khó khăn.
Việc nhận diện rủi ro khách hàng trong bối cảnh này có quá khó không, thưa ông?
Theo tôi, để kiểm soát được rủi ro, trước hết phải xác lập được phân khúc khách hàng mà ngân hàng hướng đến dựa trên cơ sở thu nhập, khả năng trả nợ và mục đích vay của khách hàng mới hạn chế được nợ xấu. Chẳng hạn như với người mua nhà, chúng tôi luôn xác định đối tượng khách hàng là những cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự và có nguồn thu nhập ổn định, cho dù không cao, nhưng có trách nhiệm với tín dụng, khoản vay cũng như việc trả nợ… Như vậy thì nợ xấu mới được hạn chế.
Dư nợ tín dụng khách hàng cá nhân của OCB trong năm qua đã có sự tăng trưởng ra sao, kế hoạch 2014 thế nào và lãi suất Ngân hàng đang áp dụng hiện nay bao nhiêu?
Dư nợ cho vay khối khách hàng cá nhân tại OCB năm qua tăng khoảng 12% so với năm 2012. Trong đó, chủ yếu cho vay bốn nhu cầu chính của cá nhân và hộ kinh doanh là mua nhà - mua xe ô tô - tiêu dùng và kinh doanh. OCB tập trung đẩy mạnh các chương trình kích thích khách hàng, tập trung vào bốn nhu cầu vay chính là nhà - xe ô tô - tiêu dùng và kinh doanh và sẽ có chính sách khác nhau vào từng phân khúc khách hàng khác nhau. Hiện nay, OCB đang có chương trình ưu đãi lãi suất cho vay những nhu cầu phục vụ đời sống và kinh doanh từ 3 - 6 tháng đầu, lãi suất cho vay bình quân được áp dụng khoảng 11,5%/năm. So với mặt bằng lãi suất chung trên thị trường, theo tôi, mức lãi suất này chấp nhận được và đủ sức để cạnh tranh.