Giảm lãi suất cho vay tiêu dùng
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, mua xe ô tô, tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân, BIDV đã triển khai gói vay vốn trung và dài hạn lên tới 100.000 tỷ đồng từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023 (hoặc đến khi hết quy mô gói), với lãi suất ưu đãi. Theo đó, lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, hoặc từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu (đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung và dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở).
Khi vay vốn trung và dài hạn (thời gian vay trên 12 tháng), khách hàng có cơ hội nhận thêm các ưu đãi sau: giảm 0,2%/năm lãi suất vay mua nhà qua ứng dụng BIDV Home, hoặc đó là khách hàng nhận lương qua BIDV; có thể giảm thêm 0,2%/năm đối với khách hàng trên địa bàn Hà Nội.
Tại Vietcombank, từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, Ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Viet Capital Bank áp dụng mức lãi suất cho vay 10,5%/năm từ gói vay có hạn mức 1.000 tỷ đồng, triển khai từ 1/2/2023 đến 30/4/2023 (hoặc đến khi chương trình hết hạn mức), dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung và dài hạn để phục vụ đời sống tiêu dùng cá nhân như nhận chuyển nhượng nhà đất để ở, xây mới, sửa nhà, mua sắm tiêu dùng…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế về Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered nhận xét, tiêu dùng trong nước vẫn đang cao là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng ngay từ những ngày đầu năm 2023.
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu, HSBC cho biết, tiêu dùng là một vấn đề trong câu hỏi bao nhiêu thu nhập được dành để tiết kiệm và câu trả lời thường phụ thuộc vào mức lãi suất mà người tiêu dùng được hưởng. Lãi suất hoạt động theo cả hai cách, lãi suất cao sẽ hạn chế người tiêu dùng đi vay, đồng thời thúc đẩy tiết kiệm do thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm tăng lên.
Theo bà Yun Liu, các nền kinh tế ASEAN có khả năng áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hạn chế là những nền kinh tế đã chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm giảm trong giai đoạn 2020 - 2022 (ngoại trừ Singapore). Việc giữ lãi suất cao là cần thiết để đưa tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức trước đại dịch Covid-19, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng thời thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng phải trả giá bằng hấp thu trong nước thấp đi, do khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm, khi thanh khoản bị vắt kiệt trong nền kinh tế.
Thanh khoản ngân hàng: Thừa nhiều
Diễn biến trên thị trường cho thấy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút tiền về trong tuần từ 20 - 24/2/2023. Cụ thể, trên kênh tín phiếu có 80.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn, nhưng có 140.550 tỷ đồng tính phiếu được phát hành thêm, với kỳ hạn 7 ngày là 91.500 tỷ đồng và kỳ hạn 91 ngày là 44.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu tăng lên 6%/năm ở cả 2 kỳ hạn vào cuối tuần. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 160.550 nghìn tỷ đồng. Ngược lại, trên kênh thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 10.450 tỷ đồng. Tính chung, cơ quan này đã hút ròng 50.100 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào, số ngân hàng thừa thanh khoản nhiều hơn những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Đây là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 189.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2/2023 trên thị trường mở - quy mô hút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi kích hoạt lại kênh bơm/hút trên thị trường mở từ tháng 6/2022.
“Lãi suất cho vay qua đêm đối với tiền đồng giảm chỉ còn 3,6%/năm vào giữa tháng 2, thấp nhất kể từ đầu năm 2022 và thấp hơn 0,76%/năm so với lãi suất cho vay qua đêm đối với đồng USD”, bà Hà My cho biết thêm.
Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần nhận xét: “Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 3/2023”.
Hạ lãi suất phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài
Từ 6/3/2023, các ngân hàng thống nhất giảm 0,2 - 0,5%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 12 tháng.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - vĩ mô, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, có hai yếu tố cần xem xét khi đề cập đến câu chuyện lãi suất tại Việt Nam, đó là lạm phát và lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed.
Nếu so sánh tỷ lệ lạm phát của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới, thì Việt Nam đang ở vùng lạm phát tương đối thấp, có thể chấp nhận được. Trung bình năm 2022, Việt Nam có tỷ lệ lạm phát khoảng 3,15%, trong khi các nước phát triển như Mỹ hay khu vực châu Âu gặp phải vấn đề nghiêm trọng về lạm phát, có thời điểm lên tới gần 2 con số. Vấn đề lạm phát năm nay có thể sẽ khác với năm ngoái, dự kiến chuyển dịch từ khu vực các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển.
Trong năm qua, lạm phát của Việt Nam tăng dần qua từng quý cho đến cuối năm và thậm chí đến tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ, đạt đỉnh nhiều năm. Có những ý kiến quan ngại về việc lạm phát có thể tiếp tục tăng trong năm 2023.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, từ tháng 3/2023 trở đi sẽ chứng kiến lạm phát giảm dần và trong vòng 2 - 3 tháng tới xuống còn 3 - 3,5%. Căn cứ vào tình hình lạm phát của Việt Nam, đây không phải là vấn đề chính đối với câu chuyện lãi suất”, ông Phạm Thế Anh nhận định.
Theo ông Phạm Thế Anh, lạm phát của Mỹ hiện đã qua đỉnh, bây giờ chỉ còn vấn đề giảm nhanh hay giảm chậm. Bên cạnh đó, mức lãi suất điều hành chính sách của Mỹ lên tới 4,75%/năm là tương đối cao. Lạm phát của Mỹ trên đường giảm có thể gập ghềnh, chậm lại đôi chút, nhưng đến khoảng giữa năm 2023 nhiều khả năng sẽ rơi xuống 3,5%. Do vậy, khả năng tăng tiếp lãi suất của Mỹ là rất ít.
“Trong kịch bản xấu, Fed có thể phải tăng lãi suất một lần nữa trong tháng 3/2023, nhưng mức tăng chỉ khoảng 0,25%, còn kỳ họp tháng 5/2023 có lẽ sẽ dừng việc tăng lãi suất. Do vậy, sức ép làm cho lãi suất của Việt Nam tăng tiếp bao gồm lạm phát cũng như lãi suất ở bên ngoài còn rất ít”, ông Phạm Thế Anh dự báo.
“Lãi suất của Việt Nam đang ở mức đỉnh nhiều năm và sẽ trên đà đi xuống, còn giảm nhanh hay chậm phụ thuộc quan điểm của nhà điều hành chính sách. Nếu thận trọng, có thể quan sát cho tới khi lạm phát của Việt Nam rõ ràng hơn vào tháng 3/2023 và đợi tín hiệu rõ ràng của việc dừng tăng lãi suất của Fed có thể vào tháng 5/2023. Lúc đó, có thể bắt đầu hạ lãi suất ở Việt Nam”, ông Phạm Thế Anh nói.
Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cao nhất là 8,7 - 9,5%/năm, ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 7,4 - 8%/năm, lãi suất cho vay kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến trong khoảng 11 - 12%/năm.