Lãi suất được dự báo sẽ tăng trở lại từ quý II/2021 khi tín dụng tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh thời gian qua và đang duy trì ở mức thấp. Các nhận định đưa ra, lãi suất đã chạm đáy và sẽ tăng nhẹ từ cuối quý II/2021 khi cầu tín dụng của khách hàng tăng cao trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Lãi suất được dự báo sẽ tăng trở lại từ quý II/2021 khi tín dụng tăng cao

Lãi suất chạm đáy?

Trong tháng 4/2021, CBBank vẫn tiếp tục triển khai biểu lãi suất tiền gửi niêm yết tại quầy duy trì trong khoảng từ 3,5% - 6,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Các niêm yết lãi suất cho khách hàng trực tuyến kỳ hạn từ 6 tháng từ 4 - 6,45%/năm, trong đó mức cao nhất thuộc về SCB. Còn lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy dao động quanh mức 3,8 - 6,25%.

Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi online dao động quanh mức 4 - 6,7%/năm, vị trí cao nhất thuộc Nam A Bank. Còn nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,8 - 6,35%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi trực tuyến sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 4,6 - 6,9%, với lãi suất cao nhất thuộc về Kienlongbank và Nam Á Bank.

Khách hàng gửi tiền tại quầy, mức lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 4,7-6,8%, đứng đầu là SCB.

Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 4,6 - 7,1%/năm, lãi suất cao nhất thuộc về Kienlongbank. Còn nếu chọn gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 5,0 - 6,9%/năm.

Giao dịch tại quầy, lãi suất từ 5 - 7,1%/năm ở các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng cũng thuộc về Kienlongbank. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1 - 2%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, môi trường lãi suất thấp vẫn duy trì trên toàn cầu trong phần còn lại của năm 2021.

Trong nước, lãi suất liên ngân hàng ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tiếp tục duy trì dưới 0,5% và dưới mức trung bình của năm 2020. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đang ở trạng thái tương đối dồi dào.

Cùng chung diễn biến với lãi suất liên ngân hàng, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn dài tại cả ba nhóm ngân hàng vẫn đang được duy trì ở mặt bằng tương đối thấp, thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.

Mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng theo ghi nhận của BVSC hiện đang ở mức 6,9%/năm và trung bình mức 5,61%, giảm 20,14% so với cùng kỳ năm trước.

BVSC cho rằng, lạm phát trung bình cả năm vẫn được duy trì ở mức 3 - 3,5%. Ngân hàng trung ương các nước vẫn đang cho thấy khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp sau khi điều chỉnh trong năm 2020 và cho biết sẽ duy trì chính sách này cho tới khi dịch Covid-19 được đánh giá dưới tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong nước đang có dấu hiệu tăng mạnh so với cùng kỳ khi kết thúc quý đầu năm 2021, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng gần 3%.

Thậm chí, tín dụng ở một số ngân hàng tăng nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn, điều này làm giảm đi cơ hội cho lãi suất có thể giảm thêm trong những tháng còn lại của năm 2021.

Sẽ tăng lại 0,3 - 0,5%

BVSC dự báo, GDP trong năm 2021 sẽ tăng trưởng từ 6,5 - 7% và tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục trong các quý tiếp theo, đặc biệt mức tăng mạnh trở lại từ quý II khi so với nền thấp trong năm 2020.

Trong quý II/2020 rất nhiều hoạt động kinh tế đã bị đình trệ với mục tiêu kiểm soát tình hình dịch bệnh, còn quý II/2021, không ít ngành đã trở lại hoạt động như trong điều kiện bình thường.

Cầu tín dụng tăng cao trở lại nên mặt bằng lãi suất huy động vào khó có thể giảm thêm.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 12/4 - 16/4, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định rằng, tín dụng sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Cụ thể, trong tuần giữa tháng 4/2021, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên thị trường liên ngân tăng nhẹ 0,04 - 0,09 điểm phần trăm, chốt tuần ở mức 0,44%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,59%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng quý I/2021 ở mức 2,93%, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của quý I/2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng dự báo có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II/2021, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021.

Tuy nhiên, theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức 13 - 14%.

Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia SSI Research, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5%.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2021.

Theo DVSC, tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên.

Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã được triển khai, sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường quay trở lại nhịp điệp bình thường.

Cộng với yếu tố lạm phát tăng trở lại với chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2/2021 tăng 1,52%, so với tháng trước và đạt mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây.

CPI tháng 3/2021 giảm 0,27%, nhưng bình quân quý I/2021 CPI vẫn tăng 0,29%. Các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi chưa tăng trở lại, nhưng khó giảm thêm trong những tháng tới.

Tin bài liên quan