Lãi suất điều hành sẽ giảm thêm để hỗ trợ tăng trưởng?

0:00 / 0:00
0:00
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ năm 2025, song khó có khả năng nhà điều hành cắt giảm thêm lãi suất điều hành hoặc phá giá mạnh VND.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) .

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) .

“KÍCH” ĐẦU TƯ PHẢI BẮT ĐẦU TỪ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP là 8%, phấn đấu hai con số. Theo ông, đâu là những động lực chính để đạt mục tiêu này?

Mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là rất thách thức. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện đến từ xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó, hai động lực đầu tiên chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, năm 2025, động lực xuất khẩu đứng trước rủi ro là có thể Mỹ sẽ tăng thuế, dẫn tới các nước đưa ra chính sách trả đũa. Khả năng này nếu xảy ra sẽ gây tăng chi phí, giảm đơn hàng xuất khẩu với Việt Nam. Điều đáng mừng là có vẻ như quan điểm của ông Donald Trump ở nhiệm kỳ này hài hòa hơn nhiệm kỳ trước, theo đó, xuất khẩu Việt Nam những năm tới chưa bị ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, các doanh nghiệp dệt may, da giày phải hết sức lưu ý vì từ năm 2026 trở đi, yêu cầu “xanh” với hàng xuất khẩu sẽ khắt khe hơn.

Riêng với lĩnh vực đầu tư, ngoài động lực giải ngân vốn FDI, thì năm nay, giải ngân vốn đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh. Một loạt dự án mới được khởi động như: dự án đường sắt trục Bắc - Nam, dự án điện hạt nhân tái khởi động, sân bay Gia Bình (Bắc Ninh)… sẽ tạo xung lực mới cho nền kinh tế. Năm ngoái, đầu tư FDI tăng mạnh, trong khi đầu tư công tăng không đáng kể, đầu tư tư nhân ngày càng suy yếu.

Riêng động lực tiêu dùng tăng chậm trong năm 2024 và có vẻ tiếp tục khó khăn trong năm nay. Nguyên nhân là sản xuất, kinh doanh chưa có biến chuyển lớn, nên thu nhập của người dân chưa có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của cả khu vực công và tư, khiến người dân sẽ thắt chặt chi tiêu.

Tóm lại, thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Như ông đã nói, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ khu vực FDI. Vậy làm sao để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp nội địa?

Theo tôi, Chính phủ cần phải có những chính sách đột phá đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa, đặc biệt là phục hồi và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Hiện nay, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân lớn nhất tại Việt Nam là lĩnh vực bất động sản, nhưng thị trường bất động sản vẫn đang gặp trở ngại lớn. Năm 2025, các địa phương công bố bảng giá đất mới. Theo bảng giá đất mà một số địa phương đã công bố, giá đất năm 2025 tăng mạnh, gây khó khăn cho các dự án bất động sản vì chi phí giải phóng mặt bằng và thuế đất theo bảng giá mới sẽ tăng cao.

Ngoài ra, thủ tục pháp lý vẫn đang trong giai đoạn tháo gỡ. Hiện tại, nhiều dự án bất động sản vẫn đang còn dang dở, dự án cũ chưa được giải phóng mạnh mẽ, trong khi dự án mới chưa thể nhanh chóng ra đời.

Đây cũng là lý do phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là của các ngân hàng. Trái phiếu phục vụ sản xuất, kinh doanh chủ yếu thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp phát hành chủ yếu để đảo nợ, thay vì đưa vào dự án mới. Nói cách khác, với bất động sản, cần phải tháo gỡ quyết liệt hơn nữa.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang trở thành sân chơi của 3 nhà: nhà phát triển bất động sản, nhà đầu cơ và ngân hàng. Cả 3 nhà này đều không muốn giá bất động sản giảm. Nếu tình trạng này kéo dài, hệ lụy gây ra cho xã hội là rất lớn.

LÃI SUẤT KHÓ CÓ THỂ RẺ THÊM

Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Theo ông, liệu lãi suất có thể giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng?

Theo tôi, với tình hình kinh tế hiện nay, lãi suất năm 2025 khó có sự thay đổi, kể cả lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường.

Lãi suất huy động không thể giảm, vì nếu giảm thì người dân sẽ không gửi tiền, ngân hàng sẽ gặp khó về thanh khoản. Thực tế, từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã phải tăng lãi suất huy động.

Mặt bằng lãi suất cũng không thể tăng vì Chính phủ muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Hơn nữa, với cầu tín dụng thấp như hiện nay, ngân hàng tăng lãi suất sẽ khó cho vay.

Ngoài ra, lãi suất không tăng vì hiện nay không có kênh đầu tư nào đủ mạnh để đe dọa tiền gửi ngân hàng. Thông thường, có 4 nguồn cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng là: vàng, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, song hiện cả 4 kênh này đều đang gặp khó và không đủ sức cạnh tranh với tiền gửi, không đủ sức để làm thay đổi mặt bằng lãi suất huy động. Vì vậy, lãi suất năm 2025 sẽ tương đối ổn định.

Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cộng thêm mặt bằng lãi suất ổn định, điều này có thể khiến tín dụng năm 2025 tăng tốc không, thưa ông?

Tăng trưởng tín dụng năm 2025 được hỗ trợ bởi triển vọng của khu vực FDI cũng như đầu tư công. Dù vậy, tín dụng khó có sự đột phá, bởi đầu tư nội địa còn yếu, nhất là thị trường bất động sản và sản xuất công nghiệp vẫn phục hồi chậm. Thêm vào đó, xuất khẩu vẫn bấp bênh do phụ thuộc chính sách thuế của Mỹ, khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư.

Với cầu tín dụng hiện nay, NHNN có thể bỏ dần cơ chế cấp room tín dụng, chỉ cần yêu cầu các ngân hàng đáp ứng Hệ số An toàn vốn tối thiểu (CAR). Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.

Chỉ số USD Index đang đứng ở vùng cao nhất trong vòng 2 năm qua. Nhiều doanh nghiệp lo ngại tỷ giá năm 2025 sẽ biến động mạnh. Theo ông, tỷ giá năm nay sẽ ra sao?

Xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu là chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump là duy trì USD mạnh. Nhiều khả năng, sức mạnh của USD sẽ duy trì ở mức hiện nay trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump. Dù vậy, USD khó có thể tăng cao hơn nữa, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất. Theo tôi, áp lực mất giá với tiền đồng không quá lớn.

Năm nay, Quốc hội đã “nới” chỉ tiêu lạm phát lên 4,5% (tăng 0,5% so với năm ngoái) vì lường trước các rủi ro bất thường. Việc “nới” chỉ tiêu lạm phát tạo thêm dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy vậy, tôi cho rằng, NHNN sẽ không giảm lãi suất điều hành, hay mạnh tay “phá giá” tiền đồng để nới lỏng tiền tệ.

Nếu lạm phát toàn cầu giảm, USD sẽ không thể tăng mãi, áp lực lạm phát nhập khẩu hay tỷ giá hối đoái nước ta sẽ không quá lớn. Về cơ bản, điều hành chính sách tiền tệ sẽ giữ ổn định như năm 2024.

Năm 2024, giá vàng biến động mạnh, gây tác động đáng kể tới kinh tế vĩ mô trong nước. Ông dự đoán thế nào về thị trường vàng năm 2025?

Tôi cho rằng, giá vàng sẽ giảm sau khi ông Donald Trump nhậm chức, vì chiến tranh, xung đột vũ trang sẽ giảm. Cả nhiệm kỳ trước, ông Donald Trump không phát động cuộc chiến nào. Dư luận đang kỳ vọng sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ, xung đột vũ trang tại Trung Đông, Ukraine sẽ chấm dứt. Nhìn chung, tôi cho rằng, giá vàng năm 2025 sẽ không biến động nhiều, sẽ khó tăng lên nhưng cũng khó giảm sâu, vì đã lập mặt bằng giá mới.

Tại Việt Nam, theo ước tính của chúng tôi, từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng 2.000 tấn vàng chảy vào trong nước bằng nhiều con đường khác nhau. Trừ đi số vàng xuất đi, thì lượng vàng tồn trong nước cũng lên tới 12 tỷ USD, là con số không hề nhỏ.

Với quản lý thị trường vàng trong nước, NHNN cần nghiên cứu cách thức quản lý sao cho phù hợp hơn.

Tin bài liên quan