Lãi suất diễn biến ra sao sau Tết Nguyên đán?

0:00 / 0:00
0:00
Mặt bằng lãi suất được dự báo còn “nóng” sau kỳ nghỉ Tết, nhưng khả năng sẽ hạ nhiệt từ cuối quý II/2023.
Lãi suất diễn biến ra sao sau Tết Nguyên đán?

Chi phí huy động còn tăng

Qua tham khảo trên website của một số ngân hàng, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay được các nhà băng áp dụng mức tối đa 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn dài.

Mức lãi suất cao thứ hai trong bảng so sánh lãi suất ngân hàng kỳ này là suýt soát 9,5%/năm đang được triển khai tại DongA Bank, SCB, LienVietPostBank, BacA Bank, HDBank, Techcombank và Saigonbank.

Nhưng mỗi ngân hàng sẽ áp dụng tại kỳ hạn và có các điều kiện đi kèm khác nhau. VPBank và VietBank cùng có lãi suất khá cao nhất là 9,3%/năm. Còn tại OceanBank và MSB đang cùng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất là 9,1%/năm.

Đồng thời, với mức lãi suất 9,3-9,5%/năm nói trên được các ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn dài ngày từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, Bảo Anh và một số khách hàng khác chỉ muốn gửi kỳ hạn khoảng 6 – 9 tháng trở xuống.

Còn với kỳ hạn tiền gửi từ 6-9 tháng được một số ngân hàng, trong đó phải kể đến là ở một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ niêm yết mức lãi suất cao từ 8-9%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống đều được các ngân hàng áp mức kịch trần 6%/năm và thấp hơn chút đỉnh ở khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Cụ thể, tại Ngân hàng Bản Việt lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 8,6%/năm. Còn tại VietA Bank lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng được niêm yết ở mức 8,6-8,7%/năm. Đáng chú ý, tại Vietbank, lãi suất kỳ hạn 7-10 tháng còn cao hơn khi niêm yết mức 9,3%/năm.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1 tiếp tục tăng thêm 0,07 điểm % so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng đã tăng 2,68 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92% tăng thêm 0,11 điểm % so với mức trung bình của tháng 12 và tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ 2022.

Theo BVSC, áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn trên chủ yếu tới từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi các ngân hàng có gốc quốc doanh không thực hiện tăng lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng, và chỉ tăng nhẹ đối với kỳ hạn 6 tháng.

Nhóm phân tích cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.

Ngoài ra, NHNN cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý IV/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.

Không chỉ BVSC, nhiều tổ chức phân tích khác cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023. Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Cụ thể, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.

Theo VCBS, quá trình tăng lãi suất NHTW lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Sau sự việc liên quan đến ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, ưu tiên cao nhất của là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống. Tuy vậy, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, NHTM cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.

Trên cơ sở đó, VCBS dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1 - 1,5 điểm % trong những tháng nửa đầu năm 2023. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.

FiinGroup cũng đánh giá, lạm phát trên thế giới hiện vẫn khá cao so với mục tiêu và do đó, Fed được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023 (hiện tại là 4,33%) cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Lãi suất cho vay ra sao?

Do đó, theo FiinGroup, ở trong nước, hoạt động cho vay gặp khó, ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang khiến tình trạng “nghẽn” thanh khoản chưa thể sớm cải thiện. Như vậy, môi trường vĩ mô bên trong và bên ngoài đều chưa ủng hộ cho một xu hướng giảm về lãi suất trong ít nhất 6-12 tháng tới.

Thực tế cho thấy, lãi suất tăng cao khiến chi phí vốn đắt đỏ hơn và vượt ngưỡng “chịu đựng” của các doanh nghiệp niêm yết nếu xem xét trên bình diện chung dựa vào tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ROIC (khoảng 9,3% tính cho III/2022).

Ngoài hệ lụy từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Fed, mặt bằng lãi suất cao này còn gây ra bởi tình trạng “nghẽn” dòng tiền trong nước. Trong thời gian tới, FiinGroup đánh giá, trên thị trường quốc tế, lạm phát hiện vẫn khá cao so với mục tiêu và do đó, Fed được dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023 (hiện tại là 4,33%) cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Với dự báo trên, FiinGroup cho rằng, mặt bằng lãi suất trong nước khó có thể giảm trước năm 2024, đặc biệt khi điểm “nghẽn” về thanh khoản hiện vẫn chưa được xử lý. Mặt khác, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động.

Do đó, năm 2023 lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.

VCBS cũng cho rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.

Dư địa tăng với lãi suất cho vay tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành.

VNDirect cũng đưa ra nhận định, đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại nửa cuối năm 2023. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023.

Vì thế, VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm. Lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.

Đồng thời, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ.

Tình hình đầu quý III/2023 sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ cuối quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần về cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã dự báo về lãi suất, đồng thời nhận định 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn 2022.

Mặc dù biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động, song năm 2023, lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.

Đồng thời, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn khi tỷ lệ hoàn vốn nội bộ đủ lớn để thực hiện dự án tăng lên. Rủi ro nợ xấu tăng lên cùng hạn mức tín dụng không quá dư thừa khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn với danh mục phê duyệt tín dụng.

Trong khi đó, giới phân tích tài chính cũng cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến kênh tiền gửi ngân hàng trong thời gian tới, qua đó giúp kìm hãm đà tăng của lãi suất.

Hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã khống chế lãi suất tiền gửi không để vượt quá 9,5%/năm theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, song đây vẫn là mức tương đối cao trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, các nhà băng lớn như nhóm Big 4 hiện cũng chỉ đang niêm yết mức lãi suất quanh mức 7-8%/năm.

Thậm chí với các kỳ hạn dài, các ngân hàng này cũng để mức lãi suất không quá cao. Điều đó như một tín hiệu cho thấy lãi suất thời gian tới sẽ không tiếp tục tăng, nhất là cuối quý II/2023.

Theo dự báo của vị chuyên gia này, phổ lãi suất huy động trong quý 1/2023 sẽ ở mức 6,5-7% đối với các ngân hàng lớn, chất lượng tốt và 8-9,5% đối với các nhà băng nhỏ. Dự kiến hết quý 2 thì lãi suất sẽ trở lại bình thường quanh 7%.

Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, các chuyên gia dự báo, năm 2023, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm, sau đó giảm dần trong nửa cuối năm nay, vì xu hướng lãi suất Việt Nam khó đi ngược thế giới.

Thậm chí, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, do Fed còn duy trì chính sách lãi suất cao, NHNN sẽ khó giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.

Một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, với áp lực lãi vay hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Vì thế, trước tình hình trên, NHNN cũng đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Vừa qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 1 - 1,5% theo yêu cầu, song trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm trong nửa đầu năm nay.

Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN vừa được NHNN ban hành đầu năm 2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay, NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường .

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, việc điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN trong năm 2023 trước hết là tính toán từ những con số, thông số đó để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.

Nếu như trong thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các NHTM tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Tú cho biết, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

Năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng tăng 13,7%, huy động vốn tăng 10%. Trên 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục tăng trưởng dương, theo kết quả khảo sát của NHNN vừa được công bố.

Lãnh đạo nhà băng cũng cho rằng, năm 2023, thách thức lớn nhất vẫn liên quan đến vấn đề tín dụng khi có nhiều yếu tố làm gia tăng nợ xấu. Mặc dù lãi suất đã bình ổn trở lại và kỳ vọng sẽ hạ nhiệt từ giữa năm nay nhưng vẫn ở mức cao. Và hậu quả của thời kỳ lãi suất cao sẽ là nợ xấu khi khả năng trả nợ của người vay bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, khả năng chống chịu của các ngân hàng trong năm 2023 đã tốt hơn rất nhiều. Vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phù hợp và linh hoạt hơn, đồng thời lãnh đạo các ngân hàng có tâm thế vững vàng, từng trải hơn trước.

Tin bài liên quan